Sáng 6/1, tại thành phố Pleiku, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đến tháng 12/2024.
Quang cảnh buổi làm việc
Tham gia buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự buổi làm việc của Tổng Bí thư còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Gia Lai có Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…
2 điểm nghẽn lớn cần phải tháo gỡ của Gia Lai
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương đã đưa ra những tồn tại và giải pháp khắc phục nhằm thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm rõ hai vấn đề chính còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đó là thủy lợi và chuyển đổi đất trồng cao su không còn hiệu quả.
Đại biểu một số Tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham dự buổi làm việc
Cụ thể, về thủy lợi, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, diện tích tưới bình quân của cả nước là hơn 46%, Tây Nguyên là 28%, trong khi đó Gia Lai chỉ đạt 12%. Dù diện tích, quy mô thủy lợi lớn song diện tích tưới ở mức thấp, đòi hỏi địa phương phải cấu trúc lại không gian sản xuất gắn với thủy lợi. Phải chuyển đổi mô hình nông nghiệp phù hợp với chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Gia Lai có thể nghiên cứu cấu trúc lại đường sản xuất theo độ phủ, lưu vực hồ, đập và phải tính có thể làm đường ống để đẩy nước sông cho tưới tiêu.
Đối với vấn đề chuyển đổi diện tích cao su không còn hiệu quả, đây là vấn đề nhức nhối của Gia Lai. Khi giải quyết được vấn đề này ở Gia Lai cũng là giải quyết câu chuyện của Tây Nguyên về chuyển đổi đất nông lâm trường có tính chất phức tạp của quá khứ lịch sử. Vấn đề này có liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số và không đơn thuần chỉ là việc chuyển cây cao su sang cây trồng cây ăn quả. Phải giải quyết được vấn đề thổ canh, thổ cư cho đồng bào để giảm "sức nóng" cho Tây Nguyên, đặc biệt là tại Gia Lai. Phải làm thí điểm sau đó tỉnh và Bộ sẽ ngồi lại để thảo luận, xem xét tính hiệu quả.
Buổi làm việc có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan, ban, ngành
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Gia Lai cần định hướng chuyển đổi cây cao su và định hình lại một mô hình nông nghiệp mới, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Ví dụ như trở thành một tổ hợp lớn nông – công nghiệp lớn, vừa là nông nghiệp vừa là công nghiệp chế biến, vừa là khoa học công nghệ, vừa nông nghiệp xanh, nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn. Gắn nông nghiệp với du lịch trải nghiệm. Phải tìm kiếm một mô hình nông nghiệp mới hoàn toàn cho nông nghiệp Gia Lai trong kỷ nguyên mới.
“Câu chuyện của Gia Lai là chuyển đổi mỗi nông lâm trường ngày xưa đều có tính phức tạp. Phải đánh giá sau khi chuyển đổi rồi làm mô hình gì. Sau khi chuyển đổi làm gì cho hiệu quả. Chuyển đổi chỉ là bước đầu tiên. Ví dụ như chuyển đổi đất rừng. Mặc dù đã kiến nghị sửa đổi liên quan đến vấn đề này vẫn chưa gỡ được. Lấy Gia Lai làm thí điểm để giải quyết câu chuyện chuyển đổi. Ngành nông nghiệp Gia Lai phải tích hợp, đa giá trị; liên kết đa ngành, xuyên ngành; liên ngành cả nông nghiệp – công nghiệp – khoa học công nghệ tích hợp với năng lượng, đây là tiềm năng của Gia Lai và Tây Nguyên” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tổng Bí thư gợi ý để Gia Lai vươn lên làm giàu
Trước những tồn tại về lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Gia Lai mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Tây Nguyên muốn phát triển được thì cần chú trọng tới 2 vấn đề đó là "đất" và "nước".
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tổng Bí thư Tô Lâm đặt câu hỏi: "Gia Lai có trên 15.500 km2 diện tích rừng thì có bao nhiêu % là đất nông nghiệp, lâm nghiệp?". Trước đây, Tổng Bí thư đã có phát động Tây Nguyên 1 ha đất, người dân phải thu về 1 tỷ đồng/ha/năm và cũng đã từng tổ chức hội nghị để tìm giải pháp để thực hiện vấn đề này.
Tại hội nghị đã diễn ra, một đại biểu tại Lâm Đồng cho biết, 1 ha đất thu về tới 26 tỷ đồng trồng rau, hoa, quả xuất khẩu đi Nhật Bản, thu về 26 tỷ đồng/ha. Hoặc như trồng sầu riêng 1 năm thu về 3 – 5 tỷ đồng/ha. Đồng bằng Bắc Bộ trồng lúa thì không được 100 triệu đồng/ha đất/năm; tại Đồng Tháp trồng lúa được 78 triệu đồng/ha/ năm, trồng cây ăn quả thu về 500 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa cây cảnh thì thu 600 triệu/ha/năm, nuôi cá tra thì thu về 3,9 – 4 tỷ đồng/ha/năm. Tổng Bí thư nêu ra dẫn chứng và đề nghị Gia Lai cũng phải nhìn đó để thực hiện theo. Bởi Gia Lai sở hữu một diện tích sản xuất nông nghiệp lớn song 5 ha đất mà mỗi năm chỉ thu được 80 triệu đồng, rất vất vả mà không hiệu quả. Nếu một người dân có 1 ha mà thu được 1 tỷ/năm thì sẽ khác.
"Đây là các gợi ý để Gia Lai suy nghĩ biện pháp làm sao để cho người dân giàu lên từ mảnh đất của mình. Nông nghiệp đúng là miễn thuế cho nông dân, nhưng người dân giàu lên rồi thì tiêu dùng sẽ tăng, và nhà nước sẽ thu từ các khoản thuế tiêu dùng. Rất khuyến khích phát triển nông nghiệp, làm sao một ha đất phải đặt ra mục tiêu trồng cây gì, nuôi con gì để người dân có thể thu được 1 tỷ đồng/ha. Đến các địa phương như Sơn La, Lâm Đồng để học hỏi các kinh nghiệm" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề về "nước", Tổng Bí thư bày tỏ sự quan ngại khi ở Gia Lai "lụt vẫn lụt mà hạn hán thì vẫn rất gay gắt". Theo Tổng Bí thư, qua khảo sát, điều tra có khoảng 24.000 – 25.000 các hồ do tỉnh Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương quản lý là chủ yếu song chưa có sự phối hợp của 3 cơ quan này, nên đã để xảy ra tình trạng thiếu nước. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp giữa địa phương và 2 bộ và đặc biệt phải "giữ rừng, giữ nước".
Bên cạnh đó, hiện nay, tại Tây Nguyên, nhiều mô hình nông nghiệp, nông trường giải quyết tốt vấn đề tưới đều do các doanh nghiệp thực hiện bằng cách mang công nghệ ứng dụng để phát triển như tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước,... Vậy nhà nước phải học hỏi kinh nghiệm để hướng dẫn lại cho nông dân và vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi dẫn nước đến tận cây để phát triển nông nghiệp.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước tăng bình quân 6,21%/năm. Quy mô kinh tế gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đóng vai trò quan trọng, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với tăng năng suất và giá trị.
Các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su, sắn lát đã trở ngành những ngành hàng quan trọng, chiếm cơ cấu đáng kể của nông nghiệp Gia Lai, xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Tỷ lệ che phủ rừng lớn (47,5%). Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đạt kết quả tốt.
Nhóm PV