Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật pháp phải phục vụ toàn dân, không vì lợi ích riêng

Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật pháp phải phục vụ toàn dân, không vì lợi ích riêng
7 giờ trướcBài gốc
Pháp luật phải chuyển từ quản lý sang phục vụ
Chiều 17/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Khóa VX, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Phát biểu thảo luận về các dự thảo luật trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu tâm huyết và sắc sảo, làm rõ vai trò then chốt của công tác lập pháp trong kiến tạo phát triển quốc gia. Theo Tổng Bí thư, thể chế hiện nay đang là điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, trong khi đó thể chế pháp luật lại được xác định rõ là một trong những động lực nền tảng. Bởi vậy, các kỳ họp gần đây của Quốc hội, nhất là Kỳ họp thứ 9, đều dành sự ưu tiên cao cho nhiệm vụ lập pháp.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: VPQH
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng việc sửa đổi luật hiện mới chỉ dừng ở việc điều chỉnh một số quy định còn vướng mắc trên thực tiễn. Về lâu dài, cần định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện. Trước đây, tư duy xây dựng pháp luật chủ yếu thiên về quản lý hành vi, quản lý trật tự xã hội, thậm chí "cái gì không quản được thì cấm". Trong khi yêu cầu mới đặt ra là phải có những quy định có tính mở đường, khuyến khích, tạo động lực cho sự phát triển, huy động được sức dân.
Tổng Bí thư nêu rõ cần đổi mới căn bản tư duy làm luật, chuyển từ bị động sang chủ động, từ quản lý sang phục vụ, từ kiểm soát sang kiến tạo. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, dự báo đúng yêu cầu phát triển, vận dụng nhanh chóng vào thực tiễn. Công tác thi hành pháp luật cũng phải công bằng, nghiêm minh, gắn với công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Luật pháp phải phục vụ toàn dân, không vì lợi ích riêng của bất kỳ nhóm nào. Cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, đặc lợi.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Giờ sửa hết thì không có đủ thời gian trong bối cảnh ‘vừa chạy vừa xếp hàng’. Hàng ngũ chưa được thẳng nhưng vẫn phải chạy, vì để thẳng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi”.
Sửa luật phải khơi thông nguồn lực, tạo công bằng cho mọi chủ thể phát triển
Góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam, Tổng Bí thư nêu rõ quan điểm: Dòng máu Việt phải được tôn vinh. Những người có gốc gác Việt Nam cần được xem xét cấp quốc tịch Việt Nam nếu không từ bỏ hay trốn tránh nghĩa vụ công dân. Đồng thời, cần có chính sách để vinh danh, thu hút nhân tài, người giàu, người có tâm huyết với Việt Nam, kể cả là người nước ngoài. Tổng Bí thư dẫn chứng, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ đã rất thành công trong việc chọn lọc và phát huy các nguồn lực này.
Với các luật liên quan đến đầu tư, tài chính công và tín dụng, Tổng Bí thư chỉ rõ hàng loạt vướng mắc. Hiện nay có tiền nhưng không tiêu được, gây chậm tiến độ. Đấu thầu nhằm đảm bảo hiệu quả, nhanh, chất lượng nhưng thực tế lại nảy sinh tiêu cực: “Ông thầu rất to nhưng ra làm đường có thấy ông làm đâu, bán đến F9, F10 rồi. Đó có phải mục tiêu đấu thầu đâu!”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9. Ảnh: VPQH
Cũng theo Tổng Bí thư, công tư khó kết hợp, nội bộ công còn vướng. Doanh nghiệp tư nhân thì bị phân biệt đối xử, khó tiếp cận chính sách. Trong khi đó, họ nắm giữ nguồn lực khổng lồ, nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài, trị giá hàng chục nghìn tỷ đô la con số vượt xa vốn FDI hiện nay.
Về hệ thống tín dụng, Tổng Bí thư cảnh báo tình trạng tín dụng đỏ không phát triển khiến “tín dụng đen” có đất sống. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần xây dựng hệ thống tín dụng thực sự phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi người dân những người gửi tiền hợp pháp và có quyền đòi hỏi minh bạch, hiệu quả từ các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến các vấn đề về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, Tổng Bí thư cho biết, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ. “Nhiều năm rồi có tiền mà không tiêu được hết. Nhu cầu phát triển rất lớn, phải đi vay vốn nước ngoài, nhưng có tiền lại không tiêu được. Tại sao? Tại quy định, hay tại đấu thầu? Đấu thầu, chỉ quy trình thôi đã gần hết năm rồi, thế thì làm gì còn thời gian?”.
Hoàng Nhưỡng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tong-bi-thu-to-lam-luat-phap-phai-phuc-vu-toan-dan-khong-vi-loi-ich-rieng-388050.html