Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 7 nhiệm vụ với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 7 nhiệm vụ với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
Các doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc được vinh danh tại sự kiện. Ảnh: Thảo Anh
Sáng 15-1, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối Ngoại Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhóm doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam; chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số; tổ chức kinh tế - thương mại, nghiên cứu, đào tạo; một số tổ chức ngoại giao; tập đoàn công nghệ số đa quốc gia và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp cam kết nhận nhiệm vụ
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Thảo Anh
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%.
Việt Nam đặt mục tiêu đạt giá trị Việt Nam trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao, nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công, bẫy thu nhập trung bình.
Số lượng doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số/100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/dân cư vào loại cao nhất trong các nước đang phát triển.
Doanh thu từ thị trường nước ngoài năm 2024 của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD; tăng với tốc độ trên 30%/năm. Mục tiêu đến năm 2035, doanh thu từ thị trường nước ngoài tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng, tạo ra tri thức mới và công nghệ mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển hóa các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới, “biến” các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, tạo ra các giá trị thực tiễn để phát triển kinh tế xã hội.
Tại diễn đàn, các đại biểu, trong đó có lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn đã có những chia sẻ về các chương trình hành động trong thời gian tới, tập trung vào các nội dung liên quan đến định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số; đề xuất các giải pháp nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số Việt Nam và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng. Ảnh: Thảo Anh
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, năm 2018, Viettel đã nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G, từ thiết bị mạng lõi, truyền dẫn, thiết bị mạng lưới, thiết bị vô tuyến, đầu cuối.
Các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G đang được sử dụng ở hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, UAE.
“Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo để cải tiến tốc độ, mở rộng khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực, đồng thời tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ 6G”, ông Thắng nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Thảo Anh
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT đưa ra 8 chương trình hành động và 3 cam kết.
Theo đó, FPT tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
FPT đầu tư về nhân lực, đến năm 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, đồng thời tham gia đào tạo chuyển đổi nửa triệu kỹ sư công nghệ thông tin sang lĩnh vực AI.
FPT đầu tư vào hạ tầng để đến năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho hay, đến năm 2027, VNPT sẽ làm chủ các mô hình GenAI trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu.
Trong năm 2025, VNPT sẽ tiếp tục phát triển các trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các bộ, ngành, địa phương để đưa toàn bộ hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước trực tuyến và dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: Thảo Anh
7 nhiệm vụ trọng tâm đối với các doanh nghiệp công nghệ số
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh. Ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia. Việc phát triển công nghệ số vẫn còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc…
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và các doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn tới.
Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Đây là việc căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đặc biệt là với ngành công nghiệp công nghệ số.
Phải tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng số hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.
Khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao, từ đó nâng cao năng lực nội địa, tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu, phát triển công nghệ số. Đồng thời, tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế...
"Hãy tận dụng sức mạnh trí tuệ, nguồn nhân lực và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" năm 2024 nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc.
Châu Anh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tong-bi-thu-to-lam-neu-7-nhiem-vu-voi-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-690540.html