Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương dự và chủ trì tổng duyệt. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương.
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tại buổi tổng duyệt
Hơn 13.000 người tham gia tổng duyệt
Chương trình tổng duyệt diễn ra lúc 7 giờ trên trục đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) với hơn 13.000 người tham gia thuộc 53 khối. Đây là lần hợp luyện thứ 4 diễn ra ở TPHCM của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành sau hơn 2 tháng diễn tập ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Từ rạng sáng 27-4, các tuyến đường trọng điểm dẫn vào khu vực trung tâm TPHCM - nơi diễn ra buổi tổng duyệt - đã được lực lượng chức năng phong tỏa, điều tiết giao thông theo kế hoạch đã được thông báo trước đó. Hàng rào an ninh được thiết lập nghiêm ngặt, các chốt kiểm soát được bố trí hợp lý nhằm đảm bảo không có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự buổi tổng duyệt
Đúng 7 giờ chương trình tổng duyệt mới diễn ra nhưng theo ghi nhận của các PV Báo SGGP tại hiện trường, từ lúc 2 giờ sáng, đã có hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành trên cả nước đổ về khu vực trung tâm TPHCM xếp hàng, chờ vào khán đài để tận mắt chứng kiến tổng duyệt. Tại bến Bạch Đằng - nơi bố trí trận địa pháo lễ và có tầm nhìn tốt để thấy máy bay trực thăng, tiêm kích, người dân cũng tập trung từ rất sớm.
Rất thích xem tiêm kích, trực băng bay trên bầu trời và màn bắn đại bác, gia đình chị Ngô Thị Ngọc Diễm (quận Gò Vấp) đến bến Bạch Đằng rất sớm chọn vị trí đẹp để xem. Chị Diễm chia sẻ, đây là thời khắc rất thiêng liêng và tự hào khi chứng kiến hàng loạt tiếng đại bác vang rền giòn giã. Chị Diễm cho biết thêm, chị đưa 2 con đến đây để cảm nhận không khí hào hùng của lễ kỷ niệm, để các con thêm tự hào, yêu Tổ quốc, yêu quê hương. Đến từ Bình Dương, chị Lê Phạm Mỹ Linh chia sẻ: “Nhìn lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay trên bầu trời cùng với tiếng hò reo không ngớt của người dân mình cảm thấy vô cùng xúc động, hạnh phúc. Tự do thật đẹp!”.
Chiến sĩ quân đội, công an hòa vào vòng tay nhân dân
Sau màn biểu diễn nghệ thuật đầu chương trình, các đại biểu, khách mời, lực lượng diễu binh, diễu hành và toàn thể nhân dân dự buổi tổng duyệt nghiêm trang thực hiện nghi lễ chào cờ tại khu vực lễ chính trên đường Lê Duẩn. Cùng thời điểm lễ chào cờ diễn ra, dàn pháo lễ ở bến Bạch Đằng bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều.
Các lực lượng tham gia buổi tổng duyệt. Ảnh: VIỆT DŨNG - HOÀNG HÙNG
Tiếp đó, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phát lệnh bắt đầu buổi tổng duyệt. Sau phần diễu binh của khối quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội 3 nước (Trung Quốc, Lào, Campuchia) là phần diễu binh của các khối thuộc lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Phần diễu hành do TPHCM đảm nhiệm, gồm 12 khối đại diện cho các tầng lớp nhân dân.
Cùng lúc các khối diễu binh, diễu hành, trên bầu trời trực thăng bay lượn kéo theo cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Ngay sau đó các biên đội tiêm kích cũng nối đuôi theo sau và lần đầu tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt trên bầu trời TPHCM trong buổi tổng duyệt. Bên dưới các khối diễu binh, diễu hành cũng bắt đầu tiến vào lễ đài. Dẫn đầu là xe Nghi trượng Quốc huy, sau đó là xe Nghi trượng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cảnh trong buổi tổng duyệt. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sau khi hoàn thành phần nghi thức trang trọng tại khán đài chính trên đường Lê Duẩn, các khối diễu binh, diễu hành tiếp tục qua phố đi bộ Nguyễn Huệ rồi tiến ra bến Bạch Đằng. Hàng ngàn người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón nồng nhiệt. Lúc này, không còn hàng rào nào ngăn cách, các cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân tham gia khối diễu binh, diễu hành hòa vào vòng tay nhân dân. Từ cụ già đến em bé, vẫy cờ đỏ sao vàng, reo hò, hát vang những bài ngợi ca quê hương, đất nước.
Hòa trong dòng người đổ về khu trung tâm thành phố xem buổi tổng duyệt có nhiều cựu chiến binh đến từ mọi miền Tổ quốc. Có những cựu chiến binh trở lại TPHCM bồi hồi dõi theo từng góc phố, từng hàng cây, ngắm nhìn bầu trời hòa bình quý giá mà chính họ cùng đồng đội đã góp một phần xương máu để làm nên.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, mạnh mẽ của báo chí cả nước và quốc tế. Đã có 169 phóng viên quốc tế của 39 hãng thông tấn báo chí và 17 quốc gia; hơn 630 phóng viên của 81 cơ quan báo chí trong nước đăng ký tác nghiệp tại lễ kỷ niệm.
NHÓM PV