Tổng kiểm kê tài sản công: Đột phá trong quản lý nguồn lực quốc gia

Tổng kiểm kê tài sản công: Đột phá trong quản lý nguồn lực quốc gia
4 giờ trướcBài gốc
Các, bộ ngành, địa phương nhanh chóng vào cuộc
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, việc triển khai đề án tổng kiểm kê trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công; cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính Nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc kiểm kê cũng nhằm nắm được thực trạng của tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý về các mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng… làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Tài chính đã phát triển phần mềm kiểm kê tài sản công nhằm hỗ trợ thống kê, báo cáo, và tổng hợp số liệu. Các biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê được xây dựng rõ ràng; đồng thời tổ chức các hội nghị tập huấn cho tất cả bộ, ngành, địa phương dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bộ cũng phát hành các video hướng dẫn nghiệp vụ, cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các đơn vị, đảm bảo thống nhất quy trình thực hiện.
Đến nay, 44/45 bộ, cơ quan trung ương và toàn bộ 63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê, ban hành kế hoạch chi tiết. Hầu hết các đơn vị đã hoàn tất tập huấn, sẵn sàng triển khai đúng tiến độ đề ra. Trước đó, Bộ Tài chính đã rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 Bộ và 6 địa phương.
Việc tổng kiểm kê là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công
Đảm bảo hoàn tất kiểm kê đúng tiến độ
Mặc dù giai đoạn chuẩn bị đã được tiến hành rất cẩn trọng, cuộc tổng kiểm kê vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, đây là nhiệm vụ lớn, lần đầu thực hiện tổng kiểm kê với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng thực hiện kiểm kê khoảng 100.000 đơn vị. Đặc biệt, tài sản kết cấu hạ tầng như đê điều, đường bộ hay các công trình công cộng lâu đời thường thiếu tài liệu, hồ sơ bàn giao, gây khó khăn trong xác định giá trị và thông tin chi tiết. Thời gian diễn ra Tổng kiểm kê trùng với thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước.
Thực tế, mặc dù quy định yêu cầu kiểm kê và hạch toán tài sản hàng năm, thực tế cho thấy nhiều nơi vẫn thực hiện chưa đầy đủ. Một số tài sản như quyền sử dụng đất chưa được định giá chính xác, hoặc chưa có quy định cụ thể để đánh giá. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp số liệu và giá trị tài sản hiện tại chưa phản ánh đúng nguồn lực thực tế. Ngoài ra, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính ở một số địa phương cũng dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, chuyển giao tài sản. Một số tài sản công như đất đai chưa được định giá chính xác hoặc chưa có quy định đầy đủ để đánh giá, gây khó khăn trong việc tổng hợp số liệu.
Theo Cục Quản lý công sản, đến ngày 31/12/2024, sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê. Đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính.
Đến ngày 31-7-2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để hóa giải những khó khăn này, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ ngành, cơ quan thực hiện kiểm kê tài sản trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, kết thúc hoạt động hoặc chuyển chức năng, nhiệm vụ về cơ quan khác. Bộ cũng hướng dẫn các đơn vị cũ cần kiểm kê toàn bộ tài sản công trước khi chuyển sang cơ quan chủ quản mới; chuyển toàn bộ hồ sơ kiểm kê sang cơ quan chủ quản mới sau sáp nhập, hợp nhất để tiếp tục triển khai các công việc đang dang dở. Trên cơ sở báo cáo kiểm kê tài sản công của các bộ ngành, địa phương, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra, thẩm định lại số liệu thống kê. Đồng thời, gắn việc tổng kiểm kê với thực hiện chống lãng phí.
Sau khi hoàn thành kiểm kê, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương sử dụng kết quả để xây dựng kế hoạch và chính sách quản lý tài sản công hiệu quả hơn, bao gồm việc hoàn thiện các quy định về định giá và sử dụng tài sản; Đánh giá thực trạng quản lý tài sản của các cơ quan, đơn vị để xác định những điểm yếu cần cải thiện; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài sản công, giúp minh bạch và thuận tiện trong việc theo dõi, điều chỉnh
"Tổng kiểm kê tài sản công không chỉ là một nhiệm vụ hành chính mà còn là giải pháp chiến lược để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý tài sản công, góp phần minh bạch hóa công tác này, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thất thoát. Việc hoàn tất kiểm kê đúng tiến độ không chỉ giúp Nhà nước tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai", ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh.
Hương Giang
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tong-kiem-ke-tai-san-cong-dot-pha-trong-quan-ly-nguon-luc-quoc-gia-159110.html