Tờ Washington Post đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “đặt bẫy trừng phạt đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump”.
Điều này khiến việc đẩy lùi các biện pháp sâu rộng nhắm vào ngành năng lượng của Nga trở thành thách thức về mặt chính trị và pháp lý. Theo đó, hành động của ông Biden có thể tạo ra những rào cản đáng kể cho ông Trump nếu tìm cách dỡ bỏ các hạn chế này.
Những trở ngại chính bao gồm khuôn khổ pháp lý để cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt và khả năng can thiệp của Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Nhà Trắng
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trước đó thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Vì vậy, ông Trump có khả năng gặp khó nếu muốn đảo ngược các biện pháp này.
Đạo luật trừng phạt hiện hành trao cho Quốc hội Mỹ quyền ngăn chặn bất kỳ động thái nào nhằm giảm bớt các hạn chế liên quan tới các biện pháp trừng phạt Nga nói riêng.
Điều này khiến ông Trump có ít lựa chọn, có thể buộc ông phải duy trì áp lực với Moscow bất chấp lời kêu gọi giải quyết nhanh chóng vấn đề Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia sắp nhậm chức của ông Trump, Michael Waltz, lập luận về việc tận dụng các biện pháp trừng phạt để khuyến khích Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia hòa đàm.
Ông Waltz trả lời phỏng vấn tờ Economist: “Nếu ông Putin từ chối đàm phán, Washington có thể cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine với ít hạn chế hơn. Đối mặt áp lực này, ông Putin có thể sẽ tận dụng cơ hội để xoa dịu xung đột”.
Theo đài RT, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhắm mục tiêu vào các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Gazprom Neft và Surgutneftegas cũng như 183 tàu chở dầu, qua đó tấn công ngành năng lượng của Nga.
Ngoài ra, Moscow còn bị hạn chế khả năng được thanh toán bằng đồng USD đối với xuất khẩu năng lượng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận: “Chúng tôi biết rằng chính quyền (Tổng thống Biden) sẽ cố gắng để lại di sản khó khăn nhất có thể có trong quan hệ song phương (Mỹ - Nga) cho ông Trump và các cộng sự của ông ấy”.
Các quan chức của ông Biden xem các biện pháp trừng phạt là chiến lược dài hạn. Một quan chức cho biết: “Chúng tôi tin rằng hành động của mình đang để lại nền tảng vững chắc mà chính quyền tiếp theo có thể xây dựng trên đó. Các biện pháp này sẽ khiến Nga thiệt hại hàng tỉ USD doanh thu mỗi tháng và buộc Nga phải đưa ra những quyết định khó khăn giữa việc duy trì nền kinh tế”.
Tờ Washington Post cho biết thêm với các biện pháp trừng phạt gắn liền với luật pháp lưỡng đảng, bất kỳ sự rút lại lệnh trừng phạt nào cũng có thể sẽ vấp phải sự phản đối tại Quốc hội Mỹ.
Phạm Nghĩa