Bỏ ngỏ sẵn sàng hợp tác, nhấn mạnh hai từ đối tác
Theo hãng tin Reuters, chỉ 2 giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố giữa hai nước sắp có nhiều giao dịch phát triển kinh tế quan trọng, ngày 24/2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp với các Bộ trưởng và cố vấn kinh tế về đất hiếm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng và cố vấn kinh tế về đất hiếm (Ảnh: Reuters).
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia Nga sau cuộc họp, ông Putin cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng đề xuất với các đối tác Mỹ. Khi tôi nói hai từ đối tác, nghĩa là tôi không chỉ đề cập đến các cơ cấu hành chính và chính phủ mà còn cả các công ty, nếu họ thể hiện quan tâm đến hợp tác chung".
Kim loại đất hiếm được dùng nhiều trong sản xuất xe điện, điện thoại di động, hệ thống tên lửa và các thiết bị điện tử khác. Nga hiện chỉ khai thác được 2.500 tấn quặng đất hiếm mỗi năm nhưng không có khả năng tinh chế.
Mặt khác, ông khẳng định không quan tâm tới thỏa thuận đất hiếm tiềm năng giữa Mỹ và Ukraine và nhấn mạnh Moscow chắc chắn sở hữu tài nguyên đất hiếm nhiều hơn đáng kể so với Ukraine.
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu Khảo sát Địa chất Mỹ cho hay, Nga có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 5 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Australia, với ước tính khoảng 3,8 triệu tấn.
Trong thông cáo từ Điện Kremlin về cuộc phỏng vấn, ông Putin cũng nhấn mạnh đất hiếm là ngành ưu tiên của Nga trong phát triển kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh.
Chính phủ Nga đang tìm cách tăng cường tiềm năng của ngành công nghiệp trong nước, mở rộng từ khai thác đến sản xuất hàng hóa công nghệ cao và dự kiến sản lượng hàng hóa công nghệ cao sẽ tăng gấp nhiều lần.
Đề xuất cung cấp tới 2 triệu tấn nhôm cho Mỹ
Ngoài đề xuất trên, Tổng thống Nga lưu ý các công ty Nga có thể cung cấp lên đến 2 triệu tấn nhôm hàng năm cho thị trường Mỹ nếu thị trường này mở cửa trở lại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gợi mở nhiều cơ hội hợp tác với Mỹ (Ảnh: Reuters).
Trước khi Mỹ cấm vận vào năm 2023, Nga từng cung cấp lượng nhôm chiếm khoảng 15% lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ và theo nhà lãnh đạo Nga việc cung cấp nhôm của Nga sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến giá.
Song song đó, Tổng thống Putin đề xuất Nga và Mỹ có thể cùng làm việc trong lĩnh vực phát điện thủy điện và sản xuất nhôm ở vùng Krasnoyarsk của Nga tại Siberia, là căn cứ chính của Rusal - nhà sản xuất nhôm lớn nhất Nga.
"Theo tôi, điều quan trọng nhất là Nga có thể cân nhắc hợp tác với các công ty Mỹ trong lĩnh vực này", ông Putin nói và ước tính khoản đầu tư tiềm năng vào dự án này là 15 tỷ đô la.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga bỏ ngỏ việc hai nước có thể mở rộng hợp tác đối với các dự án trong lĩnh vực năng lượng. Ông chỉ ra, thực tế, một số công ty Nga và Mỹ hiện đã có trao đổi, liên lạc song không cung cấp thông tin chi tiết.
Trang Trần