Tổng thống Pháp phát biểu ngày 20/1. (Ảnh: AP)
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới tại Bộ tư lệnh hỗ trợ kỹ thuật số và mạng ở miền tây nước Pháp, ông Macron nói đến những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông cho rằng rằng đây là "cơ hội để châu Âu thức tỉnh về mặt chiến lược".
"Chúng ta sẽ làm gì ở châu Âu vào ngày mai nếu đồng minh Mỹ của chúng ta rút tàu chiến khỏi Địa Trung Hải, nếu họ điều máy bay chiến đấu của họ từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương?", nhà lãnh đạo Pháp nêu vấn đề.
Ông Trump từng chỉ trích việc Mỹ phải chịu chi phí của cuộc xung đột ở Ukraine bằng tiền thuế của người Mỹ, thông qua các gói viện trợ quân sự lớn. Tổng thống Mỹ muốn chuyển gánh nặng tài chính sang châu Âu nhiều hơn nữa và bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc xung đột trong vòng 6 tháng.
Trong khi đó, Tổng thống Macron cho rằng Pháp và châu Âu cần thích ứng với các mối đe dọa đang nổi lên và thay đổi về lợi ích. "Cách đây 1 năm, ai có thể nghĩ đến chuyện Greenland sẽ trở thành trung tâm của những tranh luận chính trị và chiến lược? Đó là cách mọi thứ diễn ra", ông nói.
Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng cung cấp hỗ trợ lâu dài cho Ukraine là chìa khóa để Kiev có vị thế vững chắc khi tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cho biết đã trao đổi với ông Macron về ý tưởng đưa quân đội phương Tây đến Ukraine để bảo vệ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm với Nga.
Sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều quốc gia đang tự hỏi rằng mối quan hệ của Mỹ với Ukraine sẽ như thế nào. Tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vừa phát biểu với báo chí rằng Nga và Ukraine, mỗi bên sẽ phải nhượng bộ "một điều gì đó", vì đây là điều hợp lý để giải quyết bất kỳ cuộc xung đột nào.
Bước sang giai đoạn mới
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1, ông Zelensky nói rằng dù Mỹ là đồng minh "không thể thiếu" của châu Âu, nhưng mối quan hệ này có thể không hoàn toàn có đi có lại.
"Liệu Tổng thống Trump có để ý đến châu Âu không? Ông ấy có coi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là cần thiết không và ông ấy có tôn trọng các thể chế của Liên minh châu Âu (EU) không? Châu Âu không thể để mình đứng thứ hai hoặc thứ ba trong danh sách đồng minh của Mỹ", ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng châu Âu "cần học cách tự chăm sóc bản thân" để "thế giới không thể phớt lờ họ".
Ông cũng kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết để đối mặt với mối đe dọa từ Nga và Iran, nhấn mạnh quy mô quân đội Nga so với các quốc gia châu Âu khác và cho rằng không một quốc gia châu Âu nào có thể tự mình chống lại Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban vừa viết trong bài đăng trên mạng xã hội X rằng những sắc lệnh mà Tổng thống Trump ký sẽ "biến đổi không chỉ Mỹ mà toàn bộ thế giới".
Trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mới, ông Trump đã ký một số sắc lệnh, bao gồm sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam của Mỹ, rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu không chia sẻ quan điểm với ông Trump, Thủ tướng Orban nhiều lần lên tiếng ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ. "Cuộc nổi loạn chống lại nền dân chủ tự do thức tỉnh đã bước sang giai đoạn mới. Đã đến lúc các lực lượng yêu nước chiếm đóng Brussels", ông Orban viết trong bài đăng, ngụ ý nói đến Liên minh châu Âu.
Bình Giang
Theo AP, CNN