Tổng thống Trump đang mất dần kiên nhẫn?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự thất vọng ngày càng tăng với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi nhà lãnh đạo Nga có những yêu cầu thay đổi đối với các cuộc đàm phán về Ukraine. Điều này đã làm kéo dài các cuộc đàm phán ngừng bắn và làm giảm hy vọng của ông Trump về việc nhanh chóng kết thúc xung đột.
Những yêu cầu của Tổng thống Putin hôm 28/3 về một chính quyền lâm thời ở Ukraine đã khiến ông Trump đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi với nhà lãnh đạo Nga, đe dọa trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ của Nga nếu Moscow không thể hiện sự linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán với Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
"Nếu tôi nghĩ rằng họ đang lợi dụng chúng ta, tôi sẽ không vui về điều đó", ông Trump nói với các phóng viên trên chiếc Không lực Một ngày 30/3.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, người đã chơi golf với ông Trump vào 29/3, cho biết ông đề xuất Tổng thống Mỹ đặt ra ngày 20/4, đúng vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh, là hạn chót để Tổng thống Putin đồng ý với các điều khoản ngừng bắn mà Kiev đã chấp nhận hoặc sẽ phải trả giá.
"Tôi nghĩ rằng Tổng thống Mỹ là một nhà đàm phán rất khéo léo và ông ấy đang cố gắng tìm ra sự cân bằng phù hợp", ông Stubb nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Sky News.
"Tổng thống Trump là người duy nhất có thể làm điều đó và bây giờ chúng ta cần một thời hạn cho lệnh ngừng bắn. Đối với tôi, hạn chót sẽ là 20/4 khi ông ấy đã tại nhiệm được 3 tháng và cũng vào thời điểm chúng ta có Lễ Phục sinh", Tổng thống Phần Lan nhận định.
Ông Trump nói với NBC News hôm 30/3 rằng ông dự kiến sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin trong tuần này, đồng thời nói thêm rằng, ông "bực bội" và "tức giận" vì nhà lãnh đạo Nga đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Tổng thống Volodymyr Zelensky bởi điều đó đã đưa các cuộc đàm phán đi sai hướng.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã trao đổi qua điện thoại lần cuối vào ngày 18/3.
Điểm mạnh của Tổng thống Putin
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Nga trong các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia tuần trước đã đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau đối với bất kỳ thỏa thuận nào, kêu gọi Mỹ giúp dỡ bỏ trừng phạt các ngân hàng Nga và thúc đẩy xuất khẩu phân bón cũng như nông nghiệp Nga trên thị trường thế giới.
"Tôi nghĩ ông Putin là người giao tiếp rất khéo", George Barros - Trường nhóm nghiên cứu về Nga tại Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho hay.
Theo ông: "Đây là điểm mạnh nhất của Tổng thống Putin. Tôi nghĩ, khi bạn đưa ông ấy vào một căn phòng hoặc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, hoặc để các cấp phó của họ trao đổi với nhau, Nga rất giỏi trong việc xoa dịu bằng ngôn từ và đánh vào tâm lý, đồng thời khiến mọi thứ trông có vẻ ổn", ông Barros nhận định.
Tuy nhiên, những phát biểu của Tổng thống Putin khi kêu gọi thành lập một chính phủ lâm thời ở Ukraine đã khiến ông Trump nổi giận.
"Ông Putin được cho là sẽ đạt được một thỏa thuận với ông Zelensky dù có thích hay không. Vì thế, tôi không hài lòng với điều đó", Tổng thống Trump nói, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với các quốc gia nhập khẩu dầu của Nga.
Richard Haas, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là nhà một ngoại giao kỳ cựu, đã đặt câu hỏi về hiệu quả của động thái như vậy trên MSNBC vào sáng 31/3.
"Về cơ bản, điều đó có nghĩa là bạn sẽ trừng phạt Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, 3 nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga. Vì vậy, chúng ta sẽ gây ra các vấn đề song phương với tất cả những nước này mà không thực sự tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga", ông Richard Haas cho hay.
Chính quyền ông Trump ưu tiên cải thiện quan hệ với Nga, khi các quan chức cấp cao đôi khi lặp lại các điểm thảo luận của Điện Kremlin trong chiến dịch gây sức ép để đưa Ukraine vào bàn đàm phán.
"Tôi không coi ông Putin là người xấu. Đó là một tình huống phức tạp, cuộc xung đột đó và tất cả các yếu tố dẫn đến nó. Không bao giờ chỉ nằm ở một người", Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff, người đại diện cho chính quyền ông Trump trong các cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin cho hay.
Tổng thống Trump và các đồng minh của ông cũng đổ một phần trách nhiệm cuộc xung đột cho ông Zelensky và chỉ trong tháng trước, chính ông Trump đã công kích về tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine vì các cuộc bầu cử bị tạm dừng trong bối cảnh xung đột.
Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Ukraine và tỏ ra nghi ngờ về việc Tổng thống Putin đồng ý với một thỏa thuận có thể chấp nhận được.
"Tôi cực kỳ nghi ngờ rằng Nga sẽ chấp nhận lệnh ngừng bắn và tôi nghi ngờ cả việc họ muốn chấm dứt cuộc xung đột này", Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - một người ủng hộ mạnh mẽ ông Trump, cho biết trong một bài đăng trên nền tảng xã hội X vào ngày 12/3.
Tuy nhiên, ông Graham cũng tạo không gian cho các cuộc đàm phán của ông Trump, hoãn lại luật áp đặt các lệnh trừng phạt và thuế quan có tác động lớn đến nền kinh tế Nga vì từ chối ngừng bắn.
Tổng thống Phần Lan Stubb cũng cảnh báo ông Trump về uy tín của Tổng thống Putin.
"Thông điệp của tôi gửi tới Tổng thống Trump khi ông ấy hỏi: "Tôi có thể tin tưởng ông Putin không?" là "Không, ông không thể", ông Stubb nói.
Nhà quan sát Barros của ISW cho biết, cách tốt nhất để gây sức ép với ông Putin là trên chiến trường, do đó Washington nên cung cấp cho Ukraine nhiều hỏa lực hơn để gây tổn thất cho Moscow về binh lính cũng như trang thiết bị.
"Đây là một cuộc xung đột kéo dài và điều đó đang phá hủy các nguồn dự trữ của Nga", ông Barros cho hay.
Vì sao Nga chưa vội đàm phán?
Trưởng đoàn đàm phán Nga Grigory Karasin đã làm dịu kỳ vọng gần đây khi nói rằng ông dự đoán sẽ chưa có kết quả nào đạt được cho tới cuối năm nay hoặc năm sau. Không có gì ngạc nhiên khi ông Trump được cho là đã "rất tức giận" và đe dọa sẽ áp thuế quan thứ cấp với Moscow.
Đây không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Điện Kremlin nhắm đến năm 2026 là khung thời gian cho một thỏa thuận ngừng bắn. Tháng trước, một tài liệu của một nhóm nghiên cứu có liên kết chặt chẽ với cơ quan an ninh FSB của Nga đã thúc giục rằng "một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine không thể xảy ra trước năm 2026". Vậy tại sao Điện Kremlin lại muốn trì hoãn một thỏa thuận hòa bình cho đến năm sau?
Moscow muốn có thời gian để đưa mình vào vị thế tốt hơn cho các cuộc đàm phán sắp tới. Tổng thống Vladimir Putin đã công khai đề nghị rằng Mỹ có thể khai thác các mỏ khoáng sản của Nga, bao gồm cả ở các vùng lãnh thổ mà Moscow kiểm soát ở Ukraine. Ông Putin hiểu, Nhà Trắng sẽ ít có động lực thúc đẩy ông rút khỏi những khu vực đó nếu họ ký kết một thỏa thuận béo bở để khai thác tài nguyên tại đây.
Một số nhà quan sát cho rằng tính toán của Moscow chưa dừng lại ở đó khi Nga đang cố gắng củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán hòa bình bằng cách chiếm thêm lãnh thổ. Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định, Nga đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mùa xuân mới trong những tuần tới, đặc biệt tập trung vào các tỉnh Sumy và Kharkov. Các nhà phân tích Ukraine dự đoán một cuộc tấn công nhiều hướng có thể kéo dài từ 6 - 9 tháng.
Điện Kremlin cũng yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp Nga phải được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để Moscow thực hiện lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, một điều kiện đòi hỏi sự chấp thuận của châu Âu.
Tuy nhiên, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent muốn thảo luận về đề xuất này thì Đức đã tránh xa ý tưởng đó và Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu về các vấn đề đối ngoại Anitta Hipper nhấn mạnh rằng, quân đội Nga phải rút khỏi Ukraine như một điều kiện tiên quyết.
Nếu như việc trì hoãn có lợi cho Moscow thì câu hỏi đặt ra là tại sao Nga lại đề xuất một thời hạn cụ thể thay thì kéo dài vô thời hạn? Tình báo Ukraine chỉ ra rằng, chi phí tài chính của cuộc xung đột là quá cao với Nga, lấy đi nguồn lực từ sự phát triển cũng như các dự án quy mô lớn của họ, do đó, Điện Kremlin muốn chấm dứt lệnh trừng phạt để tiếp cận các công nghệ nước ngoài mà họ cần cho sản xuất khí đốt và các hoạt động ở Bắc Cực.
Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp