Tổng thống Mỹ Donald Trump phtas biểu họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang CNN, trong 48 giờ qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ đã nói những lời trực tiếp mạnh mẽ nhất của mình về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, thể hiện một sự quay trở lại với nền tảng cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ trong nhiều thập kỷ.
"Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí", Tổng thống Mỹ nói về Ukraine vào ngày 7/7. "Chúng tôi phải làm vậy - họ phải có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất mạnh".
Đằng sau ông, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth gật đầu, mặc dù tuyên bố này mâu thuẫn với thông báo của chính quyền vài ngày trước đó về việc dừng các chuyến hàng quân sự tới Ukraine.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc sau đó cho biết, "theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng đang gửi thêm vũ khí phòng thủ tới Ukraine để đảm bảo người Ukraine có thể tự vệ trong khi chúng tôi nỗ lực bảo đảm hòa bình lâu dài và đảm bảo việc giết chóc chấm dứt".
Sự thay đổi đột ngột này diễn ra vài ngày sau cuộc gọi giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky với ông Trump hôm 4/7, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine cho biết hai người đã nói về việc sản xuất vũ khí chung và phòng không.
Ông Zelensky cho biết, Ukraine rất cần thêm tên lửa đánh chặn Patriot, đây là cách duy nhất để bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga và chỉ có Mỹ mới có thể cho phép các giao dịch.
Một tân binh Ukraine thuộc Lữ đoàn Cơ giới độc lập số 33 đang thực hành bắn và nạp đạn trong quá trình huấn luyện quân sự tại Dnipropetrovsk, Ukraine vào ngày 13/3/2025. Ảnh: Getty Images
Một ngày trước đó, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người đã đề nghị mua Patriot từ Mỹ để cung cấp cho Ukraine.
Kết quả là ông Zelensky tuyên bố hôm 5/7 rằng cuộc gọi của ông với Tổng thống Mỹ là "cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất mà chúng tôi có trong suốt thời gian này, cuộc điện đàm hiệu quả nhất".
Với sự đảo ngược quyết định về viện trợ vũ khí, chỉ sau chưa đầy sáu tháng tại nhiệm, Tổng thống Trump đã quay trở lại với chính sách ban đầu của Mỹ, sau khi đã thử hầu hết mọi cách khác: làm thân rồi chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, bất hòa rồi làm lành với Tổng thống Ukraine Zelensky, và coi thường rồi trở lại ủng hộ châu Âu. Nhưng theo giới phân tích, thời điểm cuộc chuyển hướng mới nhất đã cho thấy tâm lý tuyệt vọng ở thời điểm này về cuộc xung đột tại Ukraine.
Việc Nga liên tiếp sử dụng thiết bị bay không người lái để tấn công Kiev đã phơi bày những thiếu sót có thể là nghiêm trọng trong hệ thống phòng không của thủ đô Ukraine. Các cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ nặng nề hơn nếu Kiev không được tiếp tế, giữa thời điểm Ukraine báo cáo rằng 160.000 quân Nga đang tập trung ở phía bắc và phía đông của tiền tuyến. Những tháng tới sẽ khó lường và quan trọng đối với Ukraine, ngay cả khi có sự hỗ trợ quân sự mới của Mỹ.
Việc Tổng thống Trump đảo ngược tình thế có thể đã ngăn chặn sự hoảng loạn về nguy cơ sụp đổ của Ukraine. Trong phát biểu ngày 8/7, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhấn mạnh rằng, Ukraine có thể sụp đổ chỉ trong 3-4 ngày nếu không có vũ khí Mỹ. Theo trang Axios, ông Trump đã cam kết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky rằng "sẽ ngay lập tức gửi 10 quả tên lửa Patriot đến Ukraine". Ông cũng khẳng định Mỹ muốn giúp Ukraine duy trì năng lực phòng không.
Về phía Nga, hôm 7/7, nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Putin đã nhắc lại loạt yêu cầu tối đa nhất của Moskva. Ông Sergey Lavrov nói với một tờ báo Hungary rằng "nguyên nhân cơ bản" của cuộc chiến phải được loại bỏ và đưa ra một danh sách dài những điều không thể, bao gồm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, hủy bỏ mọi vụ kiện chống lại Nga và trả lại các tài sản bị phương Tây tịch thu bất hợp pháp".
Ông Lavrov nói thêm rằng Ukraine phải cam kết không bao giờ gia nhập NATO và công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát trên thực tế.
Vì vậy, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có thể đã thấy mình trở lại vị trí mà hai đối thủ địa chính trị này đã trải qua vào năm 2022. Moskva được cho là có hàng chục nghìn quân đang tập hợp để tấn công Ukraine. Ngoại giao vẫn bế tắc. Washington hiểu ra rằng họ cần giúp Ukraine hoặc có nguy cơ bị bẽ mặt toàn cầu. Và Ukraine vẫn ở đó, ở giữa, chứng kiến cả hai cường quốc ở cả hai bên dao động và xoay chuyển, nhưng vẫn đối đầu nhau.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc