Tổng thống Donald Trump đang cùng nước Mỹ kỷ niệm ngày quốc khánh 4/7, ông có vài lý do để cảm thấy vui mừng, nhưng vẫn còn đó một số khúc mắc. (Ảnh: Tổng thống Mỹ và phu nhân trên ban công Truman tại Nhà Trắng, vẫy chào quan khách và cùng ngắm pháo hoa trong ngày quốc khánh Mỹ).
Ông vừa ký ban hành "Đạo luật to đẹp" về thuế và chi tiêu, cũng trong buổi lễ mừng quốc khánh Mỹ tại Nhà Trắng.
Ông Trump nhấn mạnh đây là đạo luật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đạo luật hiện thực hóa nhiều lời hứa tranh cử của ông, như gia hạn chính sách cắt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu, tăng chi tiêu quân sự và cung cấp nguồn tài trợ lớn cho chiến dịch trục xuất người di cư khỏi Mỹ.
Bên cạnh đó, một trong những khúc mắc của Tổng thống Mỹ là cuộc trò chuyện với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, vì sau một vài giờ trao đổi ý kiến, lập trường của các bên vẫn giữ nguyên. Ông Trump không che giấu sự thất vọng. Có lẽ ông chủ Nhà Trắng muốn nhận được nhiều quà tặng hơn cho ngày quốc khánh Mỹ, bên cạnh dự luật thuế, điều này đã gây ra cuộc tranh cãi từ cả góc độ chính trị và kinh tế.
Mỹ cần có những "món quà" khác, ví dụ như sự đồng ý của Moskva đối với một số điều kiện có lợi cho Washington. Nhưng điều này không xảy ra với lập trường cứng rắn của Điện Kremlin.
Trước khi bay đến Iowa, Tổng thống Trump cho biết ông không hài lòng với tình hình ở Ukraine và cuộc trò chuyện hôm nay với người đồng cấp Putin không mang lại "bất kỳ tiến triển nào".
"Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện và nói về nhiều thứ, bao gồm cả Iran, đồng thời nói về cuộc chiến Ukraine. Tôi cảm thấy không vui khi hai bên chưa đạt được bất kỳ tiến triển nào", Tổng thống Mỹ cho biết.
Trước diễn biến trên, ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tục cung cấp vũ khí cho Kyiv với số lượng đủ để giúp đồng minh đứng vững trên chiến trường.
Hơn nữa, dự kiến sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ về nguồn cung, trái ngược với những tin đồn lan truyền gần đây về việc Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trước đó một ngày, bà Tammy Bruce - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ những thông tin chi tiết mới về các lô hàng vũ khí cung cấp cho Ukraine, cụ thể là không có chuyện đình chỉ hoàn toàn viện trợ như những gì báo chí đăng tải.
Cần nhắc lại, hôm 2/7, Nhà Trắng đã tuyên bố tạm dừng cung cấp một số loại vũ khí nhất định cho Ukraine, đặc biệt là tên lửa phòng không cũng như đạn pháo phản lực dẫn đường.
Thông báo giải thích rằng "quyết định được đưa ra nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu" sau khi xem xét lại viện trợ quân sự của Washington cho các quốc gia khác trên thế giới. Một quan chức Mỹ cho biết động thái này bắt nguồn từ lo ngại về sự cạn kiệt kho vũ khí của họ.
Tuy nhiên bà Tammy Bruce sau đó đã nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng đó chỉ là một số hệ thống vũ khí nhất định và phần lớn nguồn viện trợ gồm nhiều loại vũ khí khác vẫn tiếp tục đến Ukraine.
"Tôi nhấn mạnh, đây không phải là việc ngừng viện trợ cho Ukraine hay ngừng cung cấp vũ khí. Đó chỉ là một sự kiện trong một tình huống, và chúng ta sẽ thảo luận về những gì có thể xảy ra tiếp theo. Nhưng hãy cẩn thận không đưa ra kết luận chung chung", bà Bruce nói rõ.
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết thêm, một số quốc gia khác cũng đã được "phân loại lại", nghĩa là họ không còn được ưu tiên nhận vũ khí và đạn dược từ Mỹ nữa.
Nhân vật nói trên không nêu cụ thể đó là những nước nào, hoặc cho biết thời gian tạm dừng một số chuyến hàng vũ khí tới Ukraine có thể kéo dài trong bao lâu.
Vào tháng 3/2025, Viện nghiên cứu Lực lượng Quân sự Hoàng gia Anh ước tính tỷ lệ thiết bị quân sự của Mỹ hiện tại trong nguồn cung cấp cho Ukraine là 20%, trong khi đó 25% còn lại đến từ các nước châu Âu và 55% sản xuất tại Ukraine.
Mặc dù vậy, bất chấp các chỉ số định lượng, Mỹ vẫn là nhà cung cấp đạn dược chính cho các hệ thống phòng không, cũng như các tổ hợp pháo binh tầm xa.
Đặc biệt, tiềm năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Ukraine phụ thuộc trực tiếp vào việc Mỹ bàn giao kịp thời các hệ thống Patriot với tên lửa đánh chặn đi kèm.
Ngoài tên lửa phòng không Patriot, danh sách hạn chế tạm ngưng cung cấp còn bao gồm tên lửa đánh chặn AIM-7 và Stinger, đạn rocket dẫn đường GMLRS và đạn pháo 155 mm.
Nhưng với diễn biến mới, Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ ngay lập tức nối lại việc cung cấp các loại vũ khí trên cho Ukraine, đây là bước đi gây áp lực rất mạnh lên Nga. (Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi lên chuyên cơ Không lực Một tại căn cứ liên hợp Andrews, bang Maryland ngày 4/7.)
Việt Dũng
Theo Reporter