Tổng thống Trump đưa ra đề xuất mà Ukraine không thể từ chối

Tổng thống Trump đưa ra đề xuất mà Ukraine không thể từ chối
6 giờ trướcBài gốc
Những phiên bản thỏa thuận của chính quyền ông Trump cho Ukraine
Các quan chức Ukraine đang mắc kẹt trong các cuộc đàm phán với Mỹ sau những tuyên bố và động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ và đội ngũ của mình đang yêu cầu Ukraine ký kết chuyển giao lợi nhuận từ khai thác mỏ, cảng biển và các ngành công nghiệp khác để đổi lấy bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Washington.
Phát biểu tại Kiev ngày 23/2, sau một đêm bị UAV của Nga tấn công làm tê liệt thành phố, ông Zelensky đã bác bỏ các điều khoản "không công bằng" của đề xuất mới nhất và nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm sự hỗ trợ quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Các cuộc đàm phán hiện vẫn đang tiếp tục. Một câu hỏi được đặt ra là Ukraine sẽ đối mặt với sức ép như thế nào nếu có một thỏa thuận. Câu hỏi còn lại là Tổng thống Trump sẽ trừng phạt Kiev ra sao nếu nước này từ chối ký vào thỏa thuận.
Ukraine hiện lo ngại Mỹ có thể sẽ bóp nghẹt dòng hỗ trợ quân sự, cắt đứt quyền truy cập vào Starlink hoặc đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các quan chức Ukraine cho biết cuộc gặp của họ với đội ngũ của ông Trump khó hiểu đến mức họ phải xem các tài liệu để tìm ra manh mối về phong cách đàm phán của nhà lãnh đạo Mỹ. Điều rõ ràng duy nhất là mức độ quyết liệt của lập trường "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA).
Kể từ 12/2, đã có 3 phiên bản của một thỏa thuận: một phiên bản "tệ", một phiên bản "tốt hơn" và một phiên bản "thảm họa" theo đánh giá của Ukraine và được thúc đẩy bởi các nhóm đối thoại luân phiên từ đội ngũ của ông Trump.
Ý tưởng thỏa thuận với Ukraine xuất hiện từ khi ông Zelensky đề nghị cấp quyền khai thác khoáng sản để đối lấy sự hỗ trợ an ninh trong tương lai và lời mời gia nhập NATO. Tuy nhiên, ông Trump đã đảo ngược yêu cầu này khi tuyên bố rằng tài nguyên và cơ sở hạ tầng của Ukraine là sự đền bù cho khoản viện trợ mà Mỹ đã cung cấp.
Theo phiên bản thỏa thuận mới nhất, phiên bản mà các quan chức Ukraine cho là "thảm họa", Kiev được yêu cầu chuyển 50% lợi nhuận nhà nước trong tương lai từ tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng như cảng biển sang một quỹ đầu tư mới của chính phủ Mỹ.
Các khoản đóng góp sẽ tiếp tục cho đến khi quỹ đạt 500 tỷ USD, một con số tương ứng với tuyên bố của ông Trump về số tiền mà Mỹ đã chi cho viện trợ Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Với mức thu nhập của nhà nước Ukraine hiện tại, việc chi trả sẽ mất hàng trăm năm.
Phát biểu ngày 23/2, ông Zelensky cho biết theo các điều khoản mới nhất, quỹ này giống như một phương tiện để trả nợ chứ không phải phương tiện để khuyến khích đầu tư. Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố ông sẽ không chấp nhận khoản nợ đó và nói rằng, viện trợ của Mỹ được cựu Tổng thống Joe Biden cung cấp dưới dạng tài trợ. Theo một quan chức Ukraine: "Nếu chúng tôi ký vào đây theo tình hình hiện tại, ngày mai chúng tôi sẽ bị đuổi khỏi văn phòng và bị một đám đông giận dữ hành hình".
Đội ngũ của ông Trump đã gia tăng áp lực cho Ukraine trong nhiều tuần. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trình bày với ông Zelensky một đề xuất được cho là phiên bản "tệ" vào 12/2 tại Kiev và cho nhà lãnh đạo Ukraine 1 giờ để ký. Tổng thống Zelensky đã yêu cầu thêm thời gian. Thỏa thuận "tốt hơn" sau đó đã được ông Keith Kellogg - Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trình bày tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước.
Giống như đề xuất đầu tiên, nó không chứa cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, ngoài một điều khoản về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên được khai thác trong thực tế. Tuy nhiên, một nguồn tin của chính phủ Ukraine cho biết "không có nỗ lực rõ ràng nào tương tự nhằm mô tả đây là khoản thanh toán cho khoản nợ tương ứng".
Sau đó, Ukraine đã trình bày một đề xuất của riêng mình. Nhưng vào ngày 20/2, họ đã vô cùng sửng sốt khi nhận được một dự thảo khác, một phiên bản mà họ cho là "thảm họa". Quá trình này do Bộ trưởng Thương mại Mỹ mới được bổ nhiệm Howard Lutnick tiếp quản. Ukraine được thông báo rằng hãy bỏ qua tất cả các cuộc đàm phán trước đó và làm quen với ý tưởng chuyển giao tài nguyên thiên nhiên mà không có nhiều lợi ích hữu hình để đổi lại. Ukraine chỉ có lựa chọn chấp nhận hoặc từ bỏ và thua trong cuộc xung đột này.
Thế khó của Ukraine
Ukraine phủ nhận việc các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt nhưng việc họ sẽ đàm phán với nhóm nào trong 3 nhóm đàm phán của Mỹ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bộ Tài chính Mỹ vẫn khẳng định họ có trách nhiệm ngay cả khi Bộ trưởng Thương mại Lutnick vạch ra phiên bản thỏa thuận của mình, Ukraine cho hay. Kiev muốn quay trở lại dự thảo thỏa thuận công bằng hơn mà ông Kellogg và ông Vance đề xuất.
"Chúng tôi có các cuộc đàm phán thực sự và hiệu quả lúc đó nhằm hướng đến một thỏa thuận".
Một vấn đề khác là việc thiếu sự rõ ràng cơ bản về mục đích của quỹ. Chẳng hạn, khi viết trên tờ Financial Times vào 22/2, ông Bessent khẳng định quỹ này sẽ chỉ có quyền yêu cầu doanh thu của chính phủ và sẽ tài trợ cho việc tái thiết trong dài hạn. Đây là một "quan hệ đối tác kinh tế" sẽ có lợi cho cả hai nước, ngăn chặn các đối thủ hưởng lợi từ sự bùng nổ xây dựng và thúc đẩy tăng trương sau xung đột.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine phản bác rằng trong khi phiên bản mới nhất của thỏa thuận sẽ giữ tiền trong nước thì Mỹ sẽ tuyên bố quyền sở hữu cả tài sản và các khoản đầu tư, nên nó giống một sự chiếm đoạt hơn là một hiệp ước đầu tư.
Mỹ cho biết viện trợ quân sự và kinh tế của họ cho Ukraine đến nay đã lên tới 500 tỷ USD. Trên thực tế, Washington đã chuyển ít hơn 1/4 số tiền đó dưới dạng vũ khí và hỗ trợ ngân sách trực tiếp. Đội ngũ của ông Trump vẫn chưa đưa ra lời giải thích cho con số 500 tỷ USD. Trong mọi trường hợp, đó sẽ là một gánh nặng với một quốc gia như Ukraine khi nó gấp đôi toàn bộ GDP của nước này. Ông Zelensky đã nhấn mạnh rằng ông cần một thứ gì đó hữu hình để đổi lấy việc nhượng bộ tài nguyên khoáng sản.
"Tôi sẽ bảo vệ Ukraine. Tôi không thể bán rẻ dất nước mình", ông Zelensky nói ngày 19/2.
Một giả thuyết được đưa ra là các điều khoản dự thảo của ông Lutnick mang tính trừng phạt hơn vì Ukraine đã không nhượng bộ ngay lập tức. Sự phản kháng của Ukraine khiến Tổng thống Mỹ tức giận.
"Khi thấy chúng tôi không ký thỏa thuận với ông Vance và ông Kellogg, ông ấy đã cử một thành viên cấp cao chỉ nói chuyện bằng con số mà không có cảm xúc hay sự đồng cảm, không gì cả", một nguồn tin từ Ukraine cho hay.
Ông Trump có thể phản ứng giận dữ trước việc ông Zelensky từ chối các điều khoản mà chính quyền của ông đưa ra. Có lo ngại rằng chính quyền ông Trump sẽ dùng đến những biện pháp gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như cắt quyền truy cập vào hệ thống vệ tinh Starlink của Elon Musk - mạch máu của hệ thống liên lạc trên tiền tuyến của Ukraine.
Những hành động quyết liệt như vậy có thể khiến Kiev không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký một thỏa thuận không được lòng dân. Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết, cuộc đàm phán này là "khiếm nhã" nhưng "nó không phải điều tồi tệ nhất có thể xảy ra".
"Những thứ khác xảy ra sau đó sẽ còn tồi tệ hơn", quan chức này cho hay.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: The Economist
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thong-trump-dua-ra-de-xuat-ma-ukraine-khong-the-tu-choi-post1156885.vov