Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh hành pháp về cắt giảm giá thuốc theo toa tại Phòng họp Roosevelt của Nhà Trắng vào ngày 12/5. Ảnh: AFP
Sắc lệnh này đặt ra các mục tiêu giá cho các nhà sản xuất thuốc trong 30 ngày tới và sẽ đề ra các hành động tiếp theo để hạ giá dược phẩm nếu các nhà sản xuất đó không đạt "tiến triển đáng kể" hướng tới các mục tiêu giá.
Các nhà đầu tư, nhà phân tích và chuyên gia định giá thuốc cho rằng sắc lệnh mà Tổng thống Trump vừa ký không tệ như lo ngại, nhưng họ đang băn khoăn về cách thức mà chính quyền Mỹ thực thi sắc lệnh.
Tổng thống Trump phát biểu tại một cuộc họp báo rằng chính phủ Mỹ sẽ áp thuế nếu giá thuốc ở Mỹ không bằng giá ở các quốc gia khác, đồng thời cho biết ông đang tìm cách cắt giảm giá thuốc từ 59% đến 90%.
"Mọi người nên bình đẳng. Mọi người nên trả cùng một mức giá", Tổng thống Trump nói.
Mỹ phải trả giá cao nhất cho thuốc theo toa, thường cao hơn gần 3 lần so với các quốc gia phát triển khác. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã cố gắng đưa mức giá đó tại Mỹ ngang bằng với các quốc gia khác nhưng đã bị tòa án chặn lại.
Sắc lệnh hạ giá thuốc được Tổng thống Trump đưa ra trong bối cảnh ông đang tìm cách thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là giải quyết lạm phát và giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu hàng ngày cho người Mỹ, từ trứng đến xăng dầu.
Tổng thống Trump cho biết sắc lệnh về giá thuốc một phần là kết quả của cuộc trò chuyện với một người bạn giấu tên, người đã nói với Tổng thống rằng ông đã tiêm thuốc giảm cân với giá 88 USD ở London trong khi loại thuốc tương tự ở Mỹ có giá 1.300 USD.
Nếu các nhà sản xuất thuốc không đáp ứng được kỳ vọng của chính phủ, Washington sẽ xem xét một loạt các biện pháp khác, bao gồm nhập khẩu thuốc từ các quốc gia phát triển khác và thực hiện các hạn chế xuất khẩu, bản sao của sắc lệnh cho thấy.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump chỉ đạo chính phủ xem xét tạo điều kiện cho các chương trình mua hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, theo đó sẽ bán thuốc ở mức giá ngang bằng với các nước khác.
Sắc lệnh cũng yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ xem xét thực thi mạnh mẽ đối với những gì chính phủ gọi là các hoạt động chống cạnh tranh của các nhà sản xuất thuốc.
Tại buổi họp báo, một quan chức Nhà Trắng đã cho biết các chiến thuật mà ngành dược phẩm sử dụng để ngăn chặn sự cạnh tranh, chẳng hạn như thỏa thuận với các công ty thuốc gốc để trì hoãn việc đưa các loại thuốc thay thế rẻ hơn vào thị trường, là mục tiêu thực thi.
Theo luật sư chính sách y tế Paul Kim, sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump vừa ký có khả năng phải đối mặt với các thách thức pháp lý, đặc biệt là đối với việc vượt quá giới hạn do luật pháp Mỹ đặt ra, bao gồm cả việc nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.
Những thách thức như vậy có thể sẽ xảy ra trong nhiều tháng nữa và sau khi chính quyền Tổng thống Trump có các hành động cụ thể hơn để buộc các nhà sản xuất phải hạ giá thuốc thay vì "những lời đe dọa rải rác" được nêu trong lệnh hành pháp, theo ông Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế tại trường Luật Georgetown.
"Vào thời điểm có hậu quả thực sự và chúng ta biết chúng là gì, và khi các công ty cảm thấy rằng họ phải hạ giá thuốc của mình, thì lúc đó chúng ta sẽ có một loạt các vụ kiện tụng", GS. Gostin cảnh báo.
Ủy ban Thương mại Liên bang có lịch sử lâu dài về các hành động thực thi luật chống độc quyền đối với các nhà sản xuất thuốc và các công ty chăm sóc sức khỏe khác. Tháng trước, Tổng thống Trump đã lệnh cho ủy ban này phối hợp với các cơ quan liên bang khác để tổ chức các phiên họp điều trần về các hoạt động chống cạnh tranh trong ngành dược phẩm.
"Tổng thống Donald Trump đã vận động tranh cử với mục tiêu giảm giá thuốc và hôm nay ông ấy đang làm như vậy. Người Mỹ đã chán ngán việc bị lừa dối. Ủy ban Thương mại Liên bang sẽ là đối tác đáng tự hào trong nỗ lực mới này", người phát ngôn của Ủy ban Thương mại Liên bang Joe Simonson cho biết.
Đông Phong