Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu ký một loạt các sắc lệnh hành pháp ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1, bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới Mỹ-Mexico, ra lệnh tiếp tục xây dựng bức tường biên giới và chấm dứt các chương trình đa dạng trong các cơ quan liên bang.
Sắc lệnh đầu tiên mà ông ký trước đám đông tại Capital One Arena là thu hồi gần 80 sắc lệnh hành pháp mà cựu Tổng thống Joe Biden đã ký. Ông cũng đã ký lệnh đóng băng các quy định mới, cũng như lệnh đóng băng tuyển dụng đối với các công chức liên bang. Và ông Trump cũng đã một lần nữa rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu.
Các sắc lệnh này là một phần của kế hoạch rộng lớn, dự kiến sẽ bao gồm tổng cộng hơn 50 mục mà ông đã ký sau lễ nhậm chức. Các quan chức cho biết ông Trump sẽ ký thêm nhiều sắc lệnh nữa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump kí hàng loạt sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu nhậm chức nhiệm kỳ 2
Các lệnh khác mà nhóm của Trump cho biết ông định ký vào cuối ngày 20/1 bao gồm chỉ thị chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh. Quyền công dân theo nơi sinh theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ quy định: "Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân Mỹ".
Đảng Dân chủ và một số nhóm luật sư đã tuyên bố, sẽ thách thức tại tòa án bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm xóa bỏ quyền công dân theo nơi sinh.
"Với những hành động này, chúng ta sẽ bắt đầu khôi phục hoàn toàn nước Mỹ và cuộc cách mạng của lẽ thường. Tất cả là về lẽ thường", ông Trump nói trong bài phát biểu nhậm chức của mình.
Cải tổ luật nhập cư
Các sắc lệnh hành pháp khác của ông Trump về nhập cư sẽ khôi phục chính sách "Ở lại Mexico" từ chính quyền đầu tiên của ông đối với những người muốn vào Mỹ qua Mexico. Trong khi một sắc lệnh khác sẽ chỉ định các băng đảng và băng nhóm di cư, cụ thể là MS-13 và Tren de Aragua, là các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Khu vực biên giới Mỹ - Mexico
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông Trump tại biên giới sẽ cho phép Bộ Quốc phòng triển khai quân đội và Vệ binh Quốc gia đến biên giới. Khi được hỏi về các quy tắc giao chiến đối với quân đội được triển khai đến biên giới, các quan chức chuyển giao của ông Trump cho biết điều đó sẽ tùy thuộc vào Bộ Quốc phòng.
"Chúng ta phải đưa đất nước đi đúng hướng", ông Trump nói về kế hoạch nhập cư của mình vào ngày 19/1 tại một cuộc mít tinh của những người ủng hộ. "Vào lúc mặt trời lặn vào tối mai, cuộc xâm lược biên giới của chúng ta sẽ dừng lại và tất cả những kẻ xâm phạm biên giới bất hợp pháp, dưới hình thức này hay hình thức khác, sẽ buộc phải quay trở về nhà".
Đảo ngược các sáng kiến về sự đa dạng
Không phải tất cả các sắc lệnh hành pháp đều liên quan đến chính sách biên giới và nhập cư. Có một sắc lệnh được ban hành nhằm xóa bỏ các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập trong chính quyền liên bang.
"Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội không phân biệt màu da và dựa trên thành tích", ông Trump phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức của mình.
Một sắc lệnh khác sẽ nêu rõ chính sách của Mỹ là công nhận hai giới tính, nam và nữ, bao gồm trên tất cả các tài liệu của chính phủ, chẳng hạn như hộ chiếu và thị thực.
Năm 2022, chính quyền Biden đã cho phép công dân Mỹ có thể chọn dấu "X" trung lập về giới tính làm dấu trên sổ hộ chiếu của họ. Sắc lệnh này cũng sẽ ngăn chặn việc sử dụng tiền của người nộp thuế cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyển đổi giới tính.
Cải cách, cắt giảm nhân viên chính phủ
Như đã thông báo, ông Trump cũng sẽ ký lệnh thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), có nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu của chính phủ, theo Karoline Leavitt, thư ký báo chí Nhà Trắng sắp nhậm chức.
Tỷ phú Elon Musk (bên trái) và Vivek Ramaswamy (bên phải)
Vào tháng 11, ông Trump tuyên bố DOGE sẽ do các tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy đồng lãnh đạo. Nhưng các nguồn tin thân cận với ông Trump đã nói với NBC News rằng ông Ramaswamy sẽ không tham gia để ông có thể tập trung vào việc tranh cử thống đốc Ohio.
Lệnh đó đã ngay lập tức bị phản đối trong ba vụ kiện cáo buộc rằng, bộ phận chính phủ không chính thức này đã trốn tránh các quy tắc minh bạch và các luật khác.
Trong chương trình nghị sự của ông Trump cũng có lệnh tái thực hiện "Lịch trình F", một lệnh hành pháp tước bỏ quyền bảo vệ việc làm đối với các viên chức sự nghiệp phi chính trị trong các vai trò chính sách trên toàn bộ bộ máy hành chính liên bang. Động thái này giúp tổng thống dễ dàng sa thải họ hơn đáng kể. Lệnh này có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn viên chức.
Một lệnh khác sẽ yêu cầu nhiều viên chức liên bang hơn phải quay lại làm việc trực tiếp.
Bổ sung thêm năng lượng
Tổng thống Trump cũng ký các sắc lệnh hành pháp được thiết kế để thúc đẩy sản xuất năng lượng của Mỹ, vốn đã ở mức kỷ lục. Một sắc lệnh sẽ tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia" để giảm bớt tình trạng quan liêu và cho phép khoan nhiều hơn, trong khi một sắc lệnh khác sẽ cho phép sản xuất nhiều năng lượng hơn ở Alaska.
Đổi tên
Ông Trump cũng đang ký một sắc lệnh khác đổi tên Denali của Alaska, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ, trở lại thành Núi McKinley. Tổng thống Barack Obama đã đổi tên ngọn núi này vào năm 2015 theo yêu cầu của các bộ lạc và chính trị gia bản địa Alaska, gây ra sự phẫn nộ ở tiểu bang quê hương của Tổng thống William McKinley, Ohio.
Một sắc lệnh khác sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ, mặc dù không rõ liệu một tổng thống có thẩm quyền đổi tên một khu vực được coi là vùng biển quốc tế hay không.
Số lượng sắc lệnh kỷ lục
Phạm vi và số lượng sắc lệnh mà ông Trump dự kiến ký sẽ vượt xa những gì ông đã làm vào ngày đầu tiên nhậm chức vào năm 2017, khi ông chỉ ký một lệnh hành pháp nhắm vào Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.
Nó cũng vượt xa số lượng mà Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden đã ký vào ngày đầu tiên nhậm chức. Ông Biden đã ký chín lệnh hành pháp về các chủ đề từ cam kết đạo đức cho nhân viên nhánh hành pháp đến chống phân biệt đối xử dựa trên giới tính và khuynh hướng tình dục, ông cũng đã ký các lệnh đảo ngược các chỉ thị của ông Trump về nhập cư và bãi bỏ quy định.
Ông Biden đồng thời ký bảy sắc lênh hành pháp khác vào ngày nhậm chức tổng thống trong năm 2021, bao gồm các chỉ thị nhằm dừng tài trợ cho bức tường biên giới của ông Trump và đảo ngược quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.
Giờ đây vào ngày 20/1, ông Trump lại ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris một lần nữa.
Khuất Trang