Con tàu di chuyển qua Kênh đào Panama ở Panama City, Panama. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bài đăng trên nền tảng Truth Social, ông Trump nhấn mạnh: “Tàu Mỹ, cả quân sự lẫn thương mại, phải được phép đi qua kênh đào Panama và Suez mà không mất phí!”. Ông lập luận rằng cả hai tuyến đường này “sẽ không tồn tại” nếu không có sự đóng góp của Mỹ, đồng thời cho biết đã giao nhiệm vụ cho tân Ngoại trưởng Marco Rubio “giải quyết ngay lập tức” vấn đề.
Động thái này không chỉ tiếp nối những phát ngôn trước đây của ông Trump về việc kiểm soát kênh đào Panama mà còn mở rộng sự chú ý sang tuyến đường Suez, một huyết mạch giao thương quan trọng.
Phản ứng trước phát ngôn của ông Trump, Tổng thống Panama José Rául Mulino khẳng định phí qua kênh đào Panama được quy định bởi Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (ACP), một tổ chức tự trị chịu trách nhiệm giám sát tuyến thương mại này.
Trước đó, đầu tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, trong chuyến thăm Panama City, từng đề cập rằng Mỹ đang tìm kiếm một thỏa thuận cho phép các tàu chiến của mình được ưu tiên qua kênh đào Panama “miễn phí và trước tiên”. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất.
Kênh đào Suez của Ai Cập, một tuyến đường thủy quan trọng nối liền châu Âu và châu Á, từng chiếm khoảng 10% thương mại hàng hải toàn cầu trước khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen làm gián đoạn giao thương ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Hậu quả là nhiều tàu buộc phải chọn tuyến đường vòng dài và tốn kém quanh mũi phía Nam châu Phi.
Theo Ai Cập, doanh thu từ kênh đào Suez trong năm 2024 đã giảm tới 60%, tương đương khoản thiệt hại 7 tỷ USD.
Đề xuất miễn phí qua kênh đào Panama và Suez của ông Trump đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi. Với kênh đào Panama, quyền tự chủ của ACP và các quy định hiện hành về phí lưu thông là rào cản lớn.
Trong khi đó, tình hình tại kênh đào Suez phức tạp hơn do liên quan đến các vấn đề an ninh khu vực và lợi ích kinh tế của Ai Cập. Việc miễn phí cho tàu Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia khác sử dụng các tuyến đường này.
Diệu Linh (Theo Reuters)