Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Thành công nổi bật trong vận dụng tư tưởng 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Thành công nổi bật trong vận dụng tư tưởng 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' của Chủ tịch Hồ Chí Minh
2 ngày trướcBài gốc
Sài Gòn rợp cờ hoa, biểu ngữ mừng chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: Tư liệu
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành độc lập về cho nước nhà.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Người tuyên bố: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã trường kỳ kháng chiến và giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với sự tiên liệu tinh tường về mưu đồ thâm hiểm, bản chất hiếu chiến của Mỹ, ngay từ tháng 3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, gồm 300 đại biểu, đại diện cho các bậc lão thành cách mạng, các ngành, các giới, các đoàn thể, trí thức tiến bộ, nhân sĩ yêu nước và anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây thực sự là “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại Hồ Chí Minh để thống nhất ý chí quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc cùng chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước.
Đến Hè - Thu 1965, Mỹ chính thức triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đưa quân viễn chinh vào tham chiến ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước muôn người như một, vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” quyết tâm đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Ngày 24/1/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến người đứng đầu nhà nước và chính phủ của gần 70 nước trên thế giới, lên án cuộc xâm lược của Mỹ, vạch trò bịp “đi tìm hòa bình” và đề nghị 14 điểm của Mỹ.
Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, phong trào thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” nhanh chóng được dấy lên, thu hút đông đảo các tầng lớp, ngành giới, các lứa tuổi từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo của hậu phương chiến lược miền Bắc tích cực tham gia. Với thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, nông dân với phong trào “Tay cày, tay súng”, công nhân với phong trào “Tay búa, tay súng”... đều hướng về một mục tiêu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Trên chiến trường miền Nam, kiên định với đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, quân và dân ta vừa đẩy mạnh tiến công địch liên tục, rộng khắp với quy mô ngày càng lớn cả trên phương diện quân sự, chính trị và binh vận; vừa đánh địch, vừa kết hợp lập thế trận và chuẩn bị tiềm lực mọi mặt; xây dựng và củng cố thế trận, xây dựng và mở rộng căn cứ, làng, xã, ấp chiến đấu, mở rộng vùng giải phóng... chuẩn bị trực tiếp cho những đòn tiến công quyết định.
Mùa Xuân 1968, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đánh vào các mục tiêu đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở thành phố, thị xã, thị trấn khắp miền Nam. Bị đánh đòn bất ngờ và thiệt hại lớn trong khi nỗ lực chiến tranh của Mỹ đang ở thời điểm cao nhất (với 1,2 triệu quân, trong đó, hơn nửa triệu là quân Mỹ), làm choáng váng nước Mỹ, gây bàng hoàng và sửng sốt cho giới cầm đầu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris năm 1973, chấp nhận rút toàn bộ quân viễn chinh khỏi miền Nam Việt Nam. Tại thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương hướng đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới là: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”, quân và dân hai miền Nam - Bắc, với khí thế một ngày bằng 20 năm đã tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975.
Xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, ấm no là mục tiêu, lý tưởng của Đảng sau khi đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Ảnh: Minh họa
Chiến dịch Tây Nguyên, với trận đột phá then chốt Buôn Ma Thuột điểm đúng huyệt của kẻ thù và sau đó đập tan kế hoạch hòng giành lại địa bàn chiến lược này của chúng, tạo bước chuyển mới về chiến lược đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Sau đó, quân và dân ta mở các chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn vùng duyên hải miền Trung. Cục diện chiến tranh có bước phát triển nhảy vọt, ta hoàn toàn nắm quyền chủ động, áp đảo quân địch cả về lực lượng vật chất và tinh thần, cả quân sự và chính trị. Trong khí thế sục sôi quyết thắng của cả nước, quân và dân ta bước vào chiến dịch cuối cùng, có ý nghĩa quyết định - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến dịch đã diễn ra với quy mô lớn, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công của lực lượng vũ trang ba thứ quân và lực lượng chính trị quần chúng rộng khắp, đánh thẳng vào sào huyệt của địch ở Sài Gòn.
Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập; toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại như Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc cũng được giải phóng. Cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn liền một dải từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ thực tiễn lịch sử, có thể khẳng định, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân ta giành thắng lợi quyết định trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau này, Mc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống L. Johnson cầm quyền, thú nhận: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng của các giá trị của nó”.
Ngày nay, bài học về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, với ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, trong 30 năm chiến tranh cách mạng và đặc biệt là trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục gìn giữ và phát huy tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hà Hải - Hồng Phương
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-nam-1975-thanh-cong-noi-bat-trong-van-dung-tu-tuong-khong-co-gi-quy-hon-doc-lap-tu-do-cua-chu-tich-ho-chi-minh-post488217.html