Dưới đây là những sinh vật có khả năng tiết độc đặc biệt, khiến giới khoa học không khỏi ngạc nhiên.
Cóc sa mạc Sonoran – "nhà hóa học" của tự nhiên
Cóc sa mạc Sonoran (Incilius alvarius), còn được gọi là cóc sông Colorado, là một trong những loài cóc lớn nhất ở Bắc Mỹ. Loài này phân bố chủ yếu ở sa mạc Sonoran, khu vực tây nam nước Mỹ và phía bắc Mexico. Tất cả các loài cóc đều có khả năng tiết ra chất độc từ da để tự vệ, nhưng điểm đặc biệt của cóc sa mạc Sonoran là khả năng tạo ra một loại enzym có thể chuyển hóa bufotenine – hợp chất thông thường trong nhiều loài cóc – thành 5-MeO-DMT, một chất gây ảo giác mạnh tương tự DMT.
Khi bị đe dọa, loài cóc này sẽ tiết ra hỗn hợp độc tố chứa 5-MeO-DMT từ tuyến mang tai sau mắt và các tuyến ở chân. Nếu động vật săn mồi nuốt phải lượng lớn chất độc này, chúng có thể bị nôn mửa, hôn mê, ngừng tim và thậm chí tử vong. Hiện nay, nguyên nhân khiến cóc sa mạc Sonoran trở thành loài cóc duy nhất có khả năng tạo ra 5-MeO-DMT vẫn chưa được làm rõ.
Kiến gặt California – Loài côn trùng gây mê bằng nọc độc
Ảnh minh họa.
Loài kiến gặt California (Pogonomyrmex californicus) sinh sống chủ yếu ở tây nam Hoa Kỳ và miền bắc Mexico. Nọc độc của loài này được cấu thành từ các enzyme. Điều đáng chú ý là người bản địa tại miền trung California từng sử dụng loài kiến này trong các nghi lễ tôn giáo. Trong những nghi thức cổ xưa, họ nuốt sống hàng trăm con kiến được gói trong các quả cầu làm từ lông chim đại bàng, bất chấp việc bị đốt từ bên trong.
Theo nhà côn trùng học Justin Schmidt thuộc Viện Sinh học Tây Nam và Đại học Arizona ở Tucson (Mỹ), các vết đốt của kiến gặt California gây đau dữ dội, xuất hiện theo từng đợt. Trong điều kiện khắc nghiệt như lạnh, nhịn ăn hay thiếu ngủ, những vết đốt này thậm chí có thể gây ra tình trạng ảo giác.
Cá Salema – Loài cá mang lại ảo giác kỳ lạ
Salema (Sarpa salpa), hay còn được biết đến với tên gọi cá mơ, sinh sống ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới, trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương thuộc châu Phi đến vùng biển Địa Trung Hải. Đây là loài cá có thể gây ra các ảo giác về thị giác và thính giác sau khi ăn phải, tuy nhiên hiện tượng này rất hiếm gặp.
Tạp chí Clinical Toxicology từng ghi nhận hai trường hợp ngộ độc gây ảo giác sau khi ăn cá mơ vào năm 2006. Một trong hai bệnh nhân kể lại rằng, sau khi ăn cá mơ nướng, ông gặp ảo giác kỳ quái như nghe thấy tiếng la hét của các sinh vật và nhìn thấy động vật chân khớp khổng lồ xuất hiện quanh xe mình. Các triệu chứng ảo giác này kéo dài khoảng 36 giờ. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được chính xác hợp chất nào gây ra hiện tượng trên. Nhà sinh vật học tiến hóa Leo Smith tại Đại học Kansas (Lawrence) nghi ngờ rằng hợp chất gây ảo giác có thể là phụ phẩm từ thức ăn của loài cá này.
Ếch khỉ – Sinh vật kỳ bí của rừng Amazon
Ếch khỉ (Phyllomedusa bicolor) là loài ếch sinh sống tại lưu vực Amazon, Nam Mỹ. Mặc dù độc tố của chúng không gây tử vong như một số loài ếch khác, nhưng nó có thể dẫn đến các trạng thái ảo giác. Độc chất của loài ếch này được gọi là kambo, và đến nay giới khoa học vẫn chưa thống nhất việc phân loại kambo là chất gây ảo giác.
Các bộ lạc bản địa ở tây nam Amazon từ lâu đã sử dụng chất tiết ra từ da ếch khỉ trong các nghi thức shaman. Họ thường bôi chất này lên các vết bỏng nhỏ trên da để tăng sức chịu đựng và thể lực cho các thợ săn.
Khi bị kẻ thù săn mồi tấn công, loài ếch này tiết ra kambo khiến đối phương bị nôn mửa, co giật, thậm chí rối loạn chức năng tim. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang phân tích các hợp chất trong chất độc để tìm hiểu cơ chế hoạt động của chúng. Điều đặc biệt là ếch khỉ có khả năng tạo ra hơn 200 đoạn protein ngắn ảnh hưởng đến nhiều chức năng sinh lý khác nhau. Một số trong số đó thậm chí đang được nghiên cứu ứng dụng trong điều trị ung thư và AIDS.
Bảo Ngọc (t/h)