Top 7 món nhộng tằm dân nhậu dễ ghiền, người thành phố cũng mê, lại rất dễ làm tại nhà

Top 7 món nhộng tằm dân nhậu dễ ghiền, người thành phố cũng mê, lại rất dễ làm tại nhà
10 giờ trướcBài gốc
Nhộng tằm - món ăn gói ghém cả tinh hoa dân dã
Nhộng tằm giờ được coi là món ăn bình dị, gói ghém cả tinh hoa dân dã, còn là ký ức, là văn hóa, là hình ảnh thân thuộc của gia đình. Nhộng tằm vị béo ngậy, giòn bùi, dinh dưỡng cao đã có mặt từ bữa cơm gia đình đến thực đơn nhậu "chuẩn gu".
Sau đây là 7 món ngon từ nhộng tằm, chế biến đơn giản, dễ thực hiện tại nhà và cực kỳ đưa cơm.
1. Nhộng tằm rang lá chanh – món ăn quốc dân
Cách chế biến truyền thống này phổ biến nhất. Nhộng tươi sau khi rửa sạch được luộc sơ, ướp gia vị rồi rang vàng giòn trên chảo mỡ cùng hành phi. Khi nhộng bắt đầu kêu "lép bép", mùi thơm lan khắp bếp thì rắc lá chanh thái chỉ vào đảo nhanh tay rồi tắt bếp.
Mẹo nhỏ:
- Chỉ nên rắc lá chanh sau khi tắt bếp để giữ được tinh dầu và độ thơm tự nhiên.
- Vị béo ngậy của nhộng quyện hương thơm lá chanh, thêm chút mắm mặn – ăn với cơm trắng, hay nhắm rượu đều rất khoái khẩu.
Nhộng tằm rang lá chanh. Ảnh internet
2. Nhộng tằm xào lá lốt – món nhậu hao bia
Món này rất được cánh mày râu khoái khẩu.
Lá lốt thái sợi, nhộng luộc sơ rồi xào với hành, tỏi, gia vị. Khi gần chín thì cho lá lốt vào đảo đều đến khi dậy mùi là được.
Lá lốt có tính ấm, giúp trung hòa độ béo của nhộng, tạo hương thơm đặc trưng và giúp dễ tiêu.
Nhộng tằm xào lá lốt. Ảnh internet
3. Nhộng tằm chiên xù – giòn rụm lạ miệng
Món nhộng tằm chiên xù là lựa chọn không thể bỏ qua.
Nhộng tằm sơ chế sạch, ướp chút gia vị, nhúng qua trứng đánh tan, lăn đều bột chiên xù rồi đem chiên vàng.
Nhộng tằm chiên xù vỏ ngoài giòn rụm, bên trong vẫn béo mềm. Món này chấm với tương ớt hoặc sốt mayonnaise trẻ nhỏ cũng thích mê, và càng khoái khẩu với mấy ông bợm nhậu.
Đặc biệt hơn, nhộng tằm chiên xù có thể ăn với cải xanh cuốn nhộng, tạo vị thanh và cân bằng dinh dưỡng.
Nhộng tằm chiên xù. Ảnh internet
4. Nhộng kho mắm
Đây là món "ăn hao cơm" đúng nghĩa. Nhộng được ướp với mắm ngon, tiêu, chút đường, kho nhỏ lửa đến khi cạn sệt lại. Vị đậm, cay nhẹ, béo bùi khiến bạn cứ muốn múc mãi.
Món này ăn với dưa cải muối chua, cơm nóng - là món dân dã nhưng rất cuốn hút vị giác.
Nhộng tằm trộn gỏi mít non. Ảnh internet
5. Nhộng tằm trộn gỏi – thanh mát độc đáo
Nhộng tằm có thể dùng làm gỏi là món cực "gây nghiện" với mọi người.
Nhộng luộc chín, để nguội, trộn cùng xoài xanh, rau răm, hành phi, đậu phộng rang, nước mắm tỏi ớt.
Hương vị béo – chua – cay – thơm hòa quyện, tạo món khai vị ngon miệng, độc đáo trước bữa tiệc.
Ngoài ra còn có thể trộn gỏi món nhộng tằm non trộn bưởi, nhộng tằm non trộn mít non... rất lạ miệng, gây nghiện.
6. Nhộng nấu cháo – bổ dưỡng, nhẹ bụng
Món cháo nhộng được nhiều người cao tuổi và trẻ em ưa chuộng vì dễ tiêu, lại cung cấp nhiều chất đạm.
Nhộng tằm cho vào cối xay nhuyễn (hoặc giã nhẹ), xào sơ với hành rồi cho vào nồi cháo đang sôi. Có thể thêm chút rau ngót, mồng tơi, hoặc bí xanh (tùy khẩu vị).
Lưu ý: Với người ăn lần đầu, chỉ nên dùng ít để thử phản ứng cơ thể.
Nhộng tằm xào măng chua. Ảnh internet
7. Nhộng xào măng chua – ngon cơm ngày mát trời
Nhộng tằm xào sơ, rồi cho măng chua đã vắt ráo vào đảo cùng gia vị. Thêm chút rau thơm như ngò gai, ớt sừng sẽ khiến món ăn hấp dẫn hơn.
Lưu ý: Nên xào nhộng riêng cho săn, rồi mới cho măng vào để không bị tanh. Vị chua nhẹ của măng kết hợp với vị béo của nhộng tạo nên sự hài hòa khó cưỡng.
Một số địa phương còn có các món nhộng tằm xào ngô, nhộng tằm xào dứa...
Tóm lại, nhộng tằm rất ngon và bổ, nhưng chỉ thực sự phát huy lợi ích khi bạn ăn đúng người – đúng cách – đúng liều lượng. Khi ăn hãy chú ý cơ địa, bệnh nền và cách chế biến để món ăn này vừa ngon, vừa an toàn cho cả gia đình.
Các món nhộng tằm ngon, nhưng 5 dạng người sau hạn chế ăn
Dù nhộng tằm là món ăn ngon, bổ, đưa cơm, nhưng mỗi tháng chỉ nên ăn 2–3 lần, không quá 100–150g/lần. Không phải ai cũng phù hợp để ăn nhộng tằm, một số người sau không nên ăn, hoặc hạn chế ăn nhộng tằm để đảm bảo sức khỏe:
1. Người có cơ địa dị ứng:
Nhộng tằm chứa nhiều protein lạ dễ gây phản ứng dị ứng như mẩn ngứa, nổi mề đay, đau bụng, khó thở… Những ai từng có tiền sử dị ứng với hải sản, côn trùng hoặc đạm lạ cần hết sức thận trọng.
Do đó, nếu lần đầu ăn nhộng tằm nên ăn ít để “thăm dò” phản ứng của cơ thể.
2. Người bị bệnh gút
Nhộng tằm chứa lượng đạm rất cao, đặc biệt là purin – thành phần dễ chuyển hóa thành axit uric trong máu. Ăn nhộng có thể khiến người bị gút bị đau tái phát dữ dội ngay sau vài giờ.
3. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn yếu, chưa thích hợp để tiêu hóa lượng đạm cao và chất béo có trong nhộng. Việc ăn nhộng quá sớm có thể gây khó tiêu, đau bụng hoặc dị ứng.
4. Phụ nữ mới sinh
Người miền Bắc thường kiêng cho phụ nữ sau sinh ăn nhộng vì dễ đầy hơi, khó tiêu, gây khó chịu vùng bụng. Một số nơi thay lá chanh bằng rau răm để dễ tiêu, nhưng tốt nhất nên tránh nhộng trong giai đoạn 1–2 tháng sau sinh.
5. Người đang bị rối loạn tiêu hóa
Với những ai bị đầy bụng, tiêu chảy, viêm đại tràng cấp – ăn nhộng có thể khiến tình trạng nặng hơn do lượng đạm khó tiêu gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
Ngọc Hà
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/top-7-mon-nhong-tam-dan-nhau-de-ghien-nguoi-thanh-pho-cung-me-lai-rat-de-lam-tai-nha-172250709182139272.htm