Quảng Trị - nơi ghi dấu những cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng, không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử vang danh mà còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, những bãi biển đẹp, bản làng bình dị và văn hóa đa sắc. Về với Quảng Trị là hành trình tìm về ký ức dân tộc, về khát vọng hòa bình và những câu chuyện chưa bao giờ cũ. Dưới đây là những địa danh nổi bật mà du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này.
CẦU HIỀN LƯƠNG
Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - ngụy.
Cầu Hiền Lương Cây cầu hai màu, nối nhịp quá khứ và hiện tại
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (ngày 20/7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền bắc-nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới. Chiếc cầu do Pháp xây dựng năm 1952 dài 178 m, gồm 7 nhịp, trụ bê tông, thân thép, mặt cầu lát gỗ thông.
Cây cầu từng được sơn hai màu, xanh ở bờ Bắc, vàng ở bờ Nam là biểu tượng cho hai miền bị chia cắt. Cuộc "chiến tranh màu sơn" kéo dài đến năm 1960, thể hiện sự căng thẳng và khát vọng đoàn tụ. Sau năm 1975, cây cầu được sơn màu ghi thống nhất. Nhưng đến năm 2014, hai màu lịch sử được phục dựng như một lời nhắc nhở về quá khứ hào hùng.
Ngày nay, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải gồm nhiều hạng mục quan trọng như cột cờ bờ Bắc, đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, tượng đài "Khát vọng thống nhất" và Bảo tàng vĩ tuyến 17. Đây là điểm đến mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến Quảng Trị.
THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
Thành cổ Quảng Trị nằm tại phường 2, thị xã Quảng Trị, nay là phường Quảng Trị, cách Quốc lộ 1A chỉ 2 km. Thành được xây dựng từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng (1809–1837), có hình vuông, chu vi gần 2 km, tường thành cao 4 m, bao quanh là hào nước rộng 18 m, sâu 3 m.
Với vị trí chiến lược, thành cổ từng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, đặc biệt là 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, nơi hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống để giữ từng tấc đất. Ngày nay, thành cổ là biểu tượng linh thiêng về tinh thần quả cảm và sự hy sinh của dân tộc.
NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN
Nằm trên ba ngọn đồi ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh (nay là xã Tây Gio Linh), nghĩa trang Trường Sơn cách thành phố Đông Hà khoảng 25 km. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.200 chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ.
Nghĩa trang Trường Sơn là nơi ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc
Với diện tích 140.000 m2, nghĩa trang được quy hoạch trang nghiêm, chia thành 10 khu vực theo các tỉnh, thành. Đây là nơi thể hiện lòng tri ân sâu sắc của dân tộc với những người con đã ngã xuống cho độc lập, tự do.
BIỂN CỬA TÙNG
Bãi biển Cửa Tùng cách Đông Hà khoảng 30 km, từng là điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của người Pháp. Nơi đây từng có bờ cát trắng dài hình cánh cung, nước biển trong xanh, thoai thoải. Dù hiện nay chịu ảnh hưởng xói mòn do thay đổi dòng chảy, Cửa Tùng vẫn mang nét duyên hoài cổ và là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích sự yên tĩnh.
BIỂN CỬA VIỆT
Đến với Quảng Trị, du khách không thể bỏ qua biển Cửa Việt, bãi. biển này cách trung tâm Đông Hà 17 km. Với bãi cát mịn, biển xanh và nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng phát triển, nơi đây ngày càng thu hút đông đảo du khách. Mỗi năm, Cửa Việt đón khoảng 30.000 lượt khách, là lựa chọn hàng đầu cho kỳ nghỉ bên bờ biển.
ĐẢO CỒN CỎ
Chỉ cách đất liền khoảng 30 km, đảo Cồn Cỏ từng là tiền đồn vững chắc trong kháng chiến chống Mỹ, được tuyên dương là “đảo Anh hùng”. Đảo có diện tích 2,3 km2, còn giữ được vẻ hoang sơ và hệ sinh thái phong phú, đặc biệt là các rạn san hô, trong đó có san hô đỏ quý hiếm.
Hòn đảo xinh đẹp với rừng xanh, biển trong và hệ sinh thái đa dạng
Cồn Cỏ đang phát triển du lịch sinh thái và lịch sử, với hệ thống lưu trú có sức chứa khoảng 300 khách. Các điểm tham quan nổi bật gồm: cột cờ, hầm quân y, đài tưởng niệm liệt sĩ, giếng mộ cổ và đường dạo xuyên rừng nguyên sinh.
ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những công trình phòng thủ đặc biệt do người dân xây dựng năm 1965 để tránh bom đạn Mỹ. Hệ thống địa đạo dài gần 2.000 m với ba tầng ngầm, gồm các lối đi, giếng nước, bệnh xá và cả phòng sinh hoạt. Đây là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất và trí tuệ của người dân Vĩnh Linh.
CHỢ ĐÔNG HÀ
Tọa lạc bên sông Hiếu, ngay trung tâm thành phố Đông Hà, chợ Đông Hà có kiến trúc mô phỏng những con thuyền sát nhau. Đây là chợ lớn nhất tỉnh, cung cấp hàng hóa đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm từ Lào, Thái Lan và Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lao Bảo.
THÁNH ĐỊA LA VANG
Nằm ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (nãy là xã Hải Lăng) thánh địa La Vang là nơi được cho là nơi Đức mẹ Maria đã hiện ra năm 1798. Tháp chuông cổ là kỷ vật còn lại sau chiến tranh cùng với Linh đài và tượng Đức mẹ là điểm thu hút đông đảo tín đồ Công giáo và du khách. Đây là tiểu Vương cung Thánh đường đầu tiên của Việt Nam, được Tòa Thánh phong tặng từ năm 1961.
LÀNG CỔ BÍCH LA
Làng cổ Bích La với hơn 500 năm tuổi với nhiều giá trị văn hóa truyền thống
Làng Bích La thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, có lịch sử hơn 500 năm, nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Làng lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như hội chợ đình, trò chơi dân gian, hò đối đáp, viết thư pháp... Không gian làng cổ kết hợp tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng tạo nên một bức tranh văn hóa sống động.
CỬA KHẨU LAO BẢO
Nằm ở huyện Hướng Hóa, Cửa khẩu Lao Bảo là cửa ngõ sang Lào bằng đường bộ, nối với tỉnh Savannakhet. Du khách có thể dễ dàng làm thủ tục xuất nhập cảnh, mua sắm các mặt hàng giá rẻ từ Thái Lan. Đây cũng là điểm khởi đầu cho hành trình khám phá vùng đất biên giới yên bình và giàu bản sắc.
SÔNG ĐAKRÔNG - CẦU TREO ĐAKRÔNG
Sông Đakrông bắt nguồn từ Trường Sơn, hòa vào sông Rào Quán rồi đổ ra biển. Con sông từng là tuyến vận chuyển chiến lược trong kháng chiến. Cầu treo Đakrông là biểu tượng hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba, ngày nay trở thành điểm dừng chân lý tưởng với khung cảnh núi non hùng vĩ và những câu chuyện truyền thuyết như "nàng Đakrông".
BẢN VÂN KIỀU – PA CÔ
Người Vân Kiều và Pa Cô sinh sống chủ yếu tại các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh (cũ). Năm 1957, họ tình nguyện mang họ Hồ để bày tỏ lòng biết ơn với Bác Hồ. Văn hóa nơi đây đậm đà bản sắc với những lễ hội, nhạc cụ truyền thống và phong tục đặc biệt. Ghé thăm bản làng là cơ hội để du khách hiểu thêm về đời sống, con người vùng cao Quảng Trị.
VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA - KẺ BÀNG
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, nổi bật với hệ thống hơn 400 hang động trải dài khoảng 220 km. Khu vực này còn có ba con sông chính là sông Chày, sông Son và sông Troóc. Nằm trên địa bàn hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa, vườn quốc gia cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km.
Một điểm dừng chân thú vị trong hành trình khám phá là vườn thực vật, nơi du khách có thể tìm hiểu về các loài động, thực vật đặc hữu của vùng. Đây cũng là nơi lưu giữ và trưng bày các mẫu vật của những loài động thực vật quý hiếm, đang nằm trong danh sách cần được bảo vệ tại Việt Nam. Du khách sẽ được trải nghiệm chuyến đi bộ ngắn quanh vườn, ghé thăm thác Gió và khu vực chăm sóc động vật hoang dã.
KHÁM PHÁ HỆ THỐNG HANG ĐỘNG ĐA DẠNG
Được ví như "Vương quốc hang động", Quảng Bình nay sáp nhập thành Quảng Trị sở hữu hệ thống hàng trăm hang động kỳ vĩ, hoang sơ, trong đó nhiều hang đạt kỷ lục thế giới và được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Tiêu biểu là động Phong Nha, nổi bật với sông ngầm, thạch nhũ lộng lẫy và cấu trúc địa chất độc đáo. Gần đó, động Thiên Đường hiện lên như một cung điện trong lòng đất, với chiều dài hơn 31 km.
Vẻ đẹp thơ mộng của động Phong Nha - Kẻ Bàng
Điểm nhấn đặc biệt là hang Sơn Đoòng, hang tự nhiên lớn nhất thế giới, nơi có rừng nguyên sinh, giếng trời và sông ngầm chảy xuyên qua lòng núi. Trên đường đến Sơn Đoòng, du khách còn đi qua hang Én sở hữu trần hang cao vút với cảnh quan ấn tượng từng xuất hiện trong phim Hollywood.
Không kém phần hấp dẫn, hệ thống hang Tú Làn với nhiều hang nước, hang khô giữa rừng nguyên sinh mang đến trải nghiệm bơi hang, cắm trại và trekking độc đáo. Ngoài ra, những du khách yêu thích mạo hiểm có thể thử sức với hang Pygmy – hang lớn thứ tư thế giới, và hố sụt Kong, một trong những hố sụt sâu nhất hành tinh, nổi bật với hành trình đu dây, bơi lội và băng rừng đầy thử thách.
BIỂN NHẬT LỆ
Biển Nhật Lệ nằm ngay trung tâm thành phố Đồng Hới, cách chỉ khoảng 2 km, là điểm đến nổi bật của Quảng Bình. Nơi đây từng được Tổng cục Du lịch xếp vào top 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam, với bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh và sóng êm dịu. Ba bãi tắm chính của Nhật Lệ luôn thu hút đông đảo du khách nhờ vẻ đẹp nguyên sơ và không khí yên bình.
Bên cạnh đó, bán đảo Bảo Ninh và bãi Đá Nhảy cũng là những địa điểm biển nổi bật. Nếu Bảo Ninh cuốn hút với bãi biển hoang sơ với không gian yên bình thì bãi Đá Nhảy gây ấn tượng với những khối đá kỳ thú ven bờ.
MỘ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Một điểm đến linh thiêng thu hút nhiều du khách khi đến Quảng Trị là khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tọa lạc tại Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Bắc Quảng Trạch (mới) cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 60 km về phía bắc. Khu mộ tọa lạc dưới chân dãy Hoành Sơn, hướng ra biển Đông là nơi an nghỉ của vị Đại tướng huyền thoại.
Viếng thăm Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân và ngưỡng mộ đến với vị tướng tài ba của dân tộc
Không chỉ là nơi để tưởng nhớ công lao của Đại tướng, Vũng Chùa còn là điểm du lịch tâm linh yên bình, nơi du khách có thể thắp nén hương, lặng nhìn biển xanh và núi non hội tụ, cảm nhận được vẻ đẹp tĩnh tại và thiêng liêng của một vùng đất gắn với lịch sử dân tộc.
ĐÈO NGANG
Đèo Ngang là ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình (cũ), vắt qua dãy Hoành Sơn và từng là chốt hiểm yếu trên quốc lộ 1A. Đèo dài khoảng 6 km, đỉnh cao 250 m, nổi tiếng trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Trên đỉnh đèo vẫn còn di tích Hoành Sơn Quan, một cửa ải được xây từ năm 1833, nay gọi là Cổng Trời. Từ năm 2004, tuyến đèo hiểm trở này được thay thế bằng hầm đường bộ hiện đại, giúp việc lưu thông trở nên dễ dàng hơn.
TƯỢNG ĐÀI MẸ SUỐT
Mẹ Suốt là anh hùng Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 tại Bảo Ninh, Quảng Bình (cũ). Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mẹ Suốt đã xung phong kết nối đường dây liên lạc giữa Đồng Hới với Bảo Ninh, một mình chèo đò giúp bộ đội qua sông, vận chuyển đạn. Tượng đài cao khoảng 7 m tọa lạc bên bờ sông Nhật Lệ, là điểm dừng chân không thể bỏ qua của nhiều du khách.
Ngày 14/7, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Trần Phong có văn bản đồng ý bắn pháo hoa tầm thấp tại Khu đô thị Bảo Ninh 1 và bãi biển Bảo Ninh, phường Đồng Hới. Đây là lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị và khu vực Bắc Trung bộ có chương trình bắn pháo hoa định kỳ hằng tuần phục vụ khách du lịch và người dân.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết việc tổ chức bắn pháo hoa được kết hợp cùng với các sự kiện hấp dẫn, sôi động trên phố đi bộ Hoàng Vân và phố đêm tại Khu đô thị Bảo Ninh 1. Các hoạt động du lịch đêm này hứa hẹn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, thu hút và thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch của đô thị Đồng Hới và tỉnh Quảng Trị.
Thời gian bắn dự kiến từ 19h đến19h5 ngày 19/7, 2/8 và 21h-21h5 ngày 26/7, 9/8, 23/8 và 2/9. Mỗi lần bắn 20 thùng pháo hoa tầm thấp. Nguồn kinh phí từ xã hội hóa.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị hợp nhất sẽ tạo nên một thực thể du lịch giàu tiềm năng. Sự kết nối giữa di sản thiên nhiên và di tích lịch sử, giữa biển đảo và miền núi, giữa truyền thống và hiện đại sẽ tạo sức hút đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế
Với bờ biển kéo dài hơn 190 km sau sáp nhập mở ra tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và khai thác các tuyến du lịch đường biển mới. Song song đó là cơ hội hình thành các tour du lịch khám phá liên tỉnh, trải dài từ hệ thống hang động kỳ vĩ ở Phong Nha - Kẻ Bàng đến đảo Cồn Cỏ, từ những địa danh lịch sử như cầu Hiền Lương - sông Bến Hải đến các điểm như: Thánh địa La Vang, nhà thờ Tam Tòa...
Không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, vùng đất này còn là “trái tim” của hành trình ký ức dân tộc, nơi in đậm dấu tích hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những tên tuổi như đường 9 - Khe Sanh, hang Tám Cô, nghĩa trang Trường Sơn, địa đạo Vịnh Mốc… đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt và là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển du lịch tri ân, giáo dục lịch sử - nhân văn cho các thế hệ. Tất cả là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển du lịch chất lượng cao sau khi tái cấu trúc địa phương.
Yên Đan