Trong không khí mùa xuân đang cận kề, chiều 17-1, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM, tổ chức chúc mừng và cấp giấy xuất viện cho ca ghép gan đầu tiên từ người hiến sống.
Đây là cặp ghép gan số 1 của bệnh viện, ông Nguyễn Ngọc Kiên (55 tuổi, ngụ Lâm Đồng) là người nhận và anh Lê Quang Phượng là người hiến gan. Anh Kiên là cháu ruột của bệnh nhân.
Ca ghép gan đầu tiên từ người hiến gan sống tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BCVV
Trước đó, ngày 28-12-2024, Bệnh viện Quân y 175 đã ghi dấu mốc quan trọng khi thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người hiến gan sống.
Ông Nguyễn Ngọc Kiên (trái) là người nhận gan và anh Lê Quang Phượng là người hiến gan nhận hoa chúc mừng của Ban giám đốc bệnh viện Quân y 175. Ảnh: NGUYỆT NHI
Sau gần 8 giờ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Bệnh nhân được chăm sóc tích cực trong 3 tuần và chính thức xuất viện ngày 17-1, sẵn sàng trở về cuộc sống bình thường.
Thành tựu này không chỉ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Bệnh viện Quân y 175, mà còn mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý gan nghiêm trọng.
Ông Kiên kể, cuối năm 2020, ông phát hiện bị viêm gan siêu vi B. Cuối năm 2022, ông được tầm soát kỹ hơn và phát hiện khối u gan và năm 2024 bắt đầu điều trị tại Bệnh viện Quân y 175.
Sau hai năm điều trị, các bác sĩ đã tư vấn cho ông về phương pháp ghép gan từ người hiến gan sống. May mắn thay, người cháu ruột của ông Kiên tương thích về gan và nhóm máu. Sau khi được tư vấn đầy đủ, người cháu đã đồng ý hiến một phần gan để cứu cậu mình.
Ông Kiên gửi lời cảm ơn đội ngũ y bác sĩ và người cháu ruột đã hiến gan cho mình. Ảnh: NGUYỆT NHI
Phát biểu tại buổi lễ, ông Kiên xúc động: "Trong thời gian điều trị tại bệnh viện tôi được sự quan tâm, chăm sóc ân cần của đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên. Từ sâu thẳm lòng mình, tôi chân thành cảm ơn mọi người. Đặc biệt xin cảm ơn người cháu yêu quý của tôi!".
Gia đình ông Kiên tặng hoa tri ân ekip phẫu thuật. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh (Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175), cho biết ông Kiên được chẩn đoán ung thư gan với nhiều khối u. Các phương pháp điều trị trước đó không hiệu quả, khối u tiếp tục tái phát.
“Trong những trường hợp như vậy, ghép gan là cơ hội duy nhất để kéo dài sự sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Mạnh nói.
Bác sĩ Mạnh cho biết thêm, ghép gan là kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Ekip phẫu thuật gồm 6 bác sĩ, chia thành hai nhóm: một nhóm lấy gan từ người hiến và một nhóm ghép gan cho người nhận.
“Khoảng 50 bác sĩ, bao gồm cả người hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp và các bộ phận liên quan đến vận hành trang thiết bị, đã tham gia vào quá trình này”, bác sĩ Mạnh nói.
Ca ghép gan với sự tham gia của 50 bác sĩ. Ảnh: BVCC
Ekip phẫu thuật cho ca ghép gan đầu tiên được ghép tạng từ người hiến gan sống. Ảnh: BVCC
Theo bác sĩ Mạnh, hiện bệnh viện có nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép gan, nhưng nguồn gan hiến vẫn là vấn đề khó khăn.
Đội ngũ y bác sĩ thảo thuận về ca ghép gan đặc biệt. Ảnh: BVCC
Đội ngũ y bác sĩ phẫu thuật cho ca ghép gan từ người hiến sống. Ảnh: BVCC
Ghép tạng là một thành tựu lớn của y học hiện đại, phát triển mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ XX. Tại Việt Nam, ghép tạng được coi là lĩnh vực chuyên môn sâu đòi hỏi sự đầu tư bài bản và sự phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống y tế.
Với mục tiêu phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế, tháng 3-2023, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Dự án Trung tâm Ghép tạng tại Bệnh viện Quân y 175.
Ngày 1-7-2023, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên. Sau 35 cặp ghép thành công, tập thể lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ tiếp tục đặt ra mục tiêu thực hiện ca ghép gan đầu tiên vào cuối năm 2024 và đã thành công.
NGUYỆT NHI