Ngày 17-1, tại hội nghị khoa học chuyên ngành da liễu, PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết hiện toàn quốc còn khoảng 10.000 bệnh nhân phong được quản lý trong cộng đồng.
Hằng năm, nước ta vẫn phát hiện mới khoảng 60 bệnh nhân phong rải rác ở các khu vực, trong đó ghi nhận một số ca bệnh ở Hà Nội, TP HCM và nhiều vùng đô thị. Đến nay, bệnh phong không còn là vấn đề y tế xã hội đáng ngại. Việt Nam đã loại trừ bệnh phong đến cấp tỉnh, đang tiến dần đến cấp huyện. Tuy nhiên, để thanh toán bệnh phong cần nhiều chục năm do căn bệnh này thời gian ủ bệnh dài, 5 - 10 năm, đôi khi ở vùng chưa từng có bệnh nhân vẫn phát hiện ca bệnh.
Thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh phong
Theo PGS-TS Lê Hữu Doanh, việc phát hiện bệnh nhân phong mới không dễ như trước đây, các ca bệnh thường điều trị muộn. Hầu hết bệnh nhân đi qua nhiều phòng khám, bệnh viện và chẩn đoán nhầm bệnh lý khác rồi mới phát hiện mắc bệnh phong. "Nguyên nhân là do căn bệnh này có biểu hiện lâm sàng đa dạng, tổn thương da giống nhiều bệnh lý ngoài da khác như nấm da, vảy nến, sẹo lồi, u sợi thần kinh, Lupus ban đỏ... Hơn nữa, số người mắc mới giảm mạnh nên bệnh phong gần như đang bị lãng quên trong cộng đồng. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xếp bệnh phong vào nhóm bệnh lãng quên" - PGS-TS Lê Hữu Doanh nhấn mạnh.
Tin-ảnh: N.Dung