TP.HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

TP.HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
4 giờ trướcBài gốc
Sáng 30-4, trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia nhân 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ông Phạm Huy Giang, Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ, đã công bố quyết định của Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Danh hiệu Anh hùng Lao động được Chủ tịch nước Lương Cường phong tặng vì TP đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, báo cáo với Thủ tướng, UBND TP.HCM cho biết trong các năm qua (từ năm 2020 đến năm 2024), Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc chống dịch COVID-19 “toàn dân”, “toàn diện” với tinh thần “chống dịch như chống giặc” trên địa bàn TP.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, TP.HCM trở thành tâm dịch thì Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, thường xuyên với tinh thần “tất cả vì TP.HCM”.
Thành ủy, UBND TP.HCM đã ban hành hàng trăm văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch có hiệu quả. TP cũng huy động toàn ngành y tế và các lực lượng hữu quan hơn 1.500 đội lấy mẫu, với sự hỗ trợ của các đơn vị thuộc ngành công nghệ thông tin để lấy mẫu, gửi mẫu, chạy mẫu, trả kết quả, phục vụ đắc lực cho các khâu phòng chống dịch qua các giai đoạn.
Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM được nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Ảnh: HOÀNG GIANG
Công tác thu dung điều trị được TP.HCM quan tâm xử lý ngay từ những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên địa bàn, tổ chức hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình “tháp tầng” với khoảng 10 - 15 ngàn giường.
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiêm vaccine là yếu tố cơ bản mang tính chiến lược, thiết lập 1.109 đội tiêm chủng giúp tỉ lệ bao phủ đủ hai mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỉ lệ cao.
Cùng với nhiệm vụ trực tiếp chống dịch để dập dịch thì TP.HCM còn bảo đảm đời sống của nhân dân. TP đã tiếp nhận và phân bổ hơn 71.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho hơn 4,7 triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; tiếp nhận trực tiếp hơn 10.800 đơn vị ủng hộ với tổng số tiền hơn 5.900 tỉ đồng, trong đó chi, phân phối số tiền gần 5.800 tỉ đồng.
Các đoàn thể TP.HCM thực hiện nhiều chương trình nghĩa tình: “Nghĩa tình đồng đội”, “Người nội trợ”, “Nối nhịp sống - Chở yêu thương”, “Triệu túi an sinh”, “Vòng tay Việt”, “Sài Gòn thương nhau”, “ATM gạo”, “Phiên chợ nghĩa tình”, “Phiên chợ 0 đồng”, “ATM Oxy”.
Ngoài ra, TP còn vận động hơn 20.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho hơn 273.000 phòng trọ với số tiền hơn 158 tỉ đồng…
Sau khi chiến thắng đại dịch COVID-19, TP.HCM đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phục hồi, phát triển kinh tế, khẳng định vị trí đầu tàu không chỉ về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng đóng góp vào GDP và ngân sách Nhà nước, mà còn là trung tâm kết nối và phát triển của cả Vùng kinh tế.
Theo UBND TP.HCM, bước ra từ đại dịch và chịu tác động bất lợi từ những bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới, tăng trưởng GRDP năm 2021 của TP.HCM suy giảm sâu ở mức -5,36% nhưng năm 2022 đã phục hồi và tăng 9,03%.
Trong năm 2023, 2024, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế TP.HCM tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá. Ước tính tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 5,3%/năm. Nếu tính từ sau giai đoạn COVID-19 (từ năm 2022 tới nay), tăng trưởng bình quân của TP ước đạt 7,7 - 7,9%. Tổng thu ngân sách trong năm năm (2020-2024) đạt hơn 2,1 triệu tỉ đồng, bình quân mỗi năm đạt trên 400.000 tỉ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước chiếm khoảng 24%
Quy mô thị trường bán lẻ tăng gấp 1,6 lần và xuất khẩu (ăng gấp 1,02 lần so với thời điểm dịch COVID-19.
Sau dịch COVID-19, TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bảo trợ xã hội, người hưởng chính sách có công với cách mạng. Trong đó, thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp hộ gia đình có người chết do COVID-19 tại cộng đồng do người nhà tự tổ chức thực hiện mai táng là 1.346 trường hợp, với tổng số tiền là hơn 24.228.000.000 tỉ đồng.
TP cũng chăm lo cho hơn 3.500 trẻ em mồ côi do dịch COVID -19 và trao quà trực tiếp tại gia đình với tổng số tiền là 21,3 tỉ đồng (bao gồm: hỗ trợ tiền mặt, học bổng, hợp đồng bảo hiểm, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi COVID-19 đến 18 tuổi, tặng xe đạp, máy tính bảng, lương thực thực phẩm…)…
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/tphcm-don-nhan-danh-hieu-anh-hung-lao-dong-post847397.html