Song song với hoạt động diễu binh, diễu hành tại khu vực sân khấu lễ kỷ niệm (đường Lê Duẩn, Quận 1) thì ở khu vực bến Bạch Đằng, trận địa pháo lễ 105mm của Lữ đoàn 96 (thuộc Binh chủng Pháo binh) được bố trí từ nhiều ngày nay.
Trong chương trình Lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước có nội dung bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tại bến Bạch Đằng, người dân đồng thời cũng có thể thấy rõ được máy bay chào mừng của không quân Việt Nam.
Người dân và du khách nước ngoài "chen chân" tranh thủ trưa nắng chụp ảnh với dàn đại pháo. (Ảnh: Kim Thược)
Bất chấp thời tiết nắng nóng tại TP.HCM, từng đoàn người với lá cờ đỏ sao vàng trên tay kéo về khu vực bến Bạch Đằng để tìm cho mình một vị trí “view đẹp” ngắm nhìn dàn pháo trước ngày chính thức khai hỏa.
Giữa trưa hè nắng gắt, nhiều người, đặc biệt là nhiều du khách nước ngoài, vẫn tiếp tục đổ về đây để được chụp những bức ảnh kỷ niệm với dàn pháo và các cán bộ chiến sĩ.
Những vị du khách này bày tỏ sự thích thú. Anh Arjun Patel, du khách đến từ Ấn Độ chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam đúng dịp lễ lớn. Thật ấn tượng với sự nhiệt tình và tình yêu với lá cờ Tổ quốc của các bạn. Tôi không nghĩ có nhiều người mặc áo in quốc kỳ như vậy”.
Dàn đại bác được sắp xếp ngay ngắn, nòng súng hướng về phía sông Sài Gòn, tạo nên khung cảnh trang nghiêm, tráng lệ. Một số gia đình dẫn theo các em nhỏ, vừa tham quan vừa kể cho con cháu nghe về những dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chia sẻ với Báo Điện tử VTC News, chị Huỳnh Bích Trân (35 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cho biết: “Tôi nghe tin sẽ bắn đại bác nên hôm nay dẫn cả nhà đến từ sớm. Nhìn thấy tận mắt dàn đại bác như thế này, tôi cảm thấy rất tự hào. Các con tôi cũng rất thích thú, vừa học lịch sử trên lớp, vừa được trải nghiệm thực tế như thế này là điều rất ý nghĩa với các cháu”.
Dự kiến, trong những ngày tới, lượng người dân và du khách đổ về khu vực Bến Bạch Đằng sẽ tiếp tục tăng cao để theo dõi, ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng của thành phố mang tên Bác trong dịp lễ trọng đại này.
Một số hình ảnh tại bến Bạch Đằng:
Một gia đình mang theo lá cờ đỏ sao vàng tới bến Bạch Đằng để chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Kim Thược)
Hình ảnh quen thuộc những ngày này ở TP.HCM: Người dân mặc áo đỏ sao vàng, hòa mình vào dòng người hướng tới các sự kiện thể hiện tình yêu đất nước, Tổ quốc.
Các em bé luôn là những thành viên sáng nhất của dòng người như vậy.
Các cô gái trẻ tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
Già, trẻ, gái, trai... ai cũng mang bên mình hình ảnh lá cờ Tổ quốc để lưu giữ hình ảnh đặc biệt 10 năm mới có 1 lần tại bến Bạch Đằng. (Ảnh: Kim Thược)
Thời tiết nắng nóng của TP. HCM cũng không ngăn được niềm vui thích của người dân khi ngắm "đại pháo". (Ảnh: Kim Thược)
Cận cảnh dàn "đại pháo" của Lữ đoàn 96, Quân chủng Pháo binh. (Ảnh: Kim Thược)
Đạn pháo được sử dụng để bắn chào mừng 50 năm thống nhất đất nước là sản phẩm của nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. So với đạn pháo thật, các quả đạn pháo lễ cũng có chứa thuốc phóng, nhưng không có đầu đạn kim loại, thay vào đó là một nắp đậy bằng gỗ hoặc bìa cứng.
Đạn pháo lễ chỉ có chức năng tạo ra tiếng nổ, không có khả năng sát thương nên thường được gọi là đạn giấy, đạn "mã tử". Sản phẩm đạn pháo lễ 105mm sử dụng vỏ đồng, ứng dụng công nghệ gia công ren với ưu điểm vượt trội như có thể thay thế được cụm liều mồi và tận dụng vỏ liều sử dụng lại nhiều lần".
Ngoài ra, nút đậy vỏ đạn được làm bằng carton thay thế cho nút gỗ, giúp tăng độ an toàn khi bắn. Thuốc phóng nguyên bản được thay bằng thuốc phóng cầu, có tốc độ cháy nhanh, cháy sạch trong điều kiện áp suất thấp.
Khi đưa dàn pháo lễ đến TP. HCM, Lữ đoàn 96 mang theo 2 loại đạn pháo của Nhà máy Z113. Một loại có đầy đủ hạt lửa (liều mồi), thuốc phóng và nắp đậy. Loại đạn này có tiếng nổ lớn (140dB), dự kiến được bắn trong 3 ngày sơ duyệt, tổng duyệt và chính lễ.
Loại đạn thứ 2 chỉ có liều mồi, vỏ rỗng, tiếng nổ nhỏ, được sử dụng để luyện tập. Loại đạn pháo lễ phục vụ huấn luyện thực ra là vỏ đạn pháo 105mm lắp thêm cụm liều mồi (hạt lửa), trong đó cụm liều mồi có thể thay thế sau mỗi lần bắn xong, thuận tiện trong quá trình thao tác và tiết kiệm chi phí.
Từ ngày 25/4 (ngày sơ duyệt), người dân mới được nghe tiếng nổ của đạn pháo lễ thật. Khi khai hỏa, đạn pháo lễ tạo ra âm thanh tương đương 140dB ở khoảng cách 100m tính từ đầu nòng pháo.
Kim Thược