Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2024 thành phố có 17 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có 1 dự án nhà ở xã hội và 16 dự án nhà ở thương mại với tổng diện tích 709.015,4m², tổng mức đầu tư hơn 40.742 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2024 thành phố có 14 dự án nhà ở thương mại được cấp phép; 33 dự án/phần dự án đang triển khai và 15 dự án/phần dự án đã hoàn thành.
TP.HCM cần phải di dời khoảng 39.600 căn nhà trên và ven sông, kênh rạch
Năm 2024, Sở có 8 thông báo xác nhận dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở thương mại hình thành trong tương lai đối với 6 dự án, gồm 3.845 căn nhà (trong đó có 3.801 căn chung cư và 44 căn nhà thấp tầng) thuộc phân khúc cao cấp.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng vừa có Tờ trình gửi UBND TP.HCM về đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch, thực hiện chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 1993 đến năm 2025, TP đã di dời, giải phóng mặt bằng 44.378 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc 4 tuyến kênh rạch chính và các sông nhánh.
Hiện nay, toàn TP còn 398 dự án kênh, rạch chưa triển khai thuộc địa bàn TP.Thủ Đức và 16 quận, huyện (quận 4, 6, 7, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ) với tổng quy mô di dời khoảng 39.600 căn nhà.
TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn, khơi thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất dọc sông kênh rạch để phát triển kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu trên, kết hợp khai thác quỹ đất dọc sông, kênh, rạch để phát triển kinh tế, các nội dung cần triển khai thực hiện là: Phát triển quỹ nhà ở tái định cư, nhà xã hội thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời nhà ven kênh; chỉnh trang đô thị, kết hợp khai thác quỹ đất dọc sông, kênh, rạch.
"Theo nguyên tắc xây dựng triển khai thực hiện, Ngân sách nhà nước cần phải có để phân bố cho các hạng mục. Tạm tính tổng kinh phí phân bố ban đầu là 221.370 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách là 130.680 tỉ đồng; chi phí xây dựng nhà ở xã hội cho trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, tái định cư là 10.692 tỉ đồng; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nạo vét, cải tạo sông kênh rạch là khoảng 80.000 tỉ đồng.
Sau khi triển khai thực hiện đề án sẽ tạo các khu đất dọc sông, kênh rạch có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án thương mại dịch vụ... Dự kiến kinh phí thu lại khoảng 164.111,63 tỉ đồng", báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM nêu rõ.
Để đề án di dời toàn bộ nhà ven kênh đạt hiệu quả, đề án tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để triển khai thực hiện công tác di dời nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn TP. Đặc biệt là đối với địa bàn trọng điểm, dự án trọng tâm.
Để thực hiện, Sở cho rằng TP cần xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia, khuyến khích hình thức đối tác công tư (PPP) trong việc di dời...
Bên cạnh đó, lập kế hoạch, thực hiện phát triển quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ việc di dời. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện giải pháp hậu di dời nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Thủy Long