Hôn mê giữa phố, không giấy tờ tùy thân
Báo Dân Trí đưa tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), trong một ca trực gần đây tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ tiếp nhận một bệnh nhân nam, 44 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, được đưa đến trong trạng thái rối loạn tri giác nghiêm trọng. Người đàn ông này được người dân phát hiện nằm bất tỉnh trên đường phố khu vực trung tâm thành phố, với nhiều vết xây xát trên cơ thể, không có giấy tờ tùy thân và cũng không có người thân đi cùng.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân mất định hướng về không gian và thời gian, kích động la hét, có những hành vi vô thức gây nguy hiểm. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy tình trạng tổn thương thận cấp tính. Đáng chú ý, vì không thể khai thác được bất kỳ thông tin y tế nào từ bệnh nhân, lại gặp rào cản ngôn ngữ, việc điều trị gặp không ít trở ngại.
Ảnh minh họa
Trước tình trạng nguy kịch và thiếu thông tin, bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt quy trình cấp cứu khẩn cấp, phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu 115 và Lãnh sự quán Hàn Quốc để xác minh danh tính nạn nhân. Nhờ sự hỗ trợ của nhân viên ngoại giao, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã bị ngộ độc khí N₂O, còn gọi là bóng cười, một chất thường được sử dụng sai mục đích trong các tụ điểm giải trí.
Sau 13 ngày điều trị tích cực, kết hợp kiểm soát hành vi, truyền dịch, theo dõi sát sao, sức khỏe của bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực. Chức năng thận phục hồi, tri giác cải thiện dần và các chỉ số sinh tồn ổn định.
Gia tăng ca ngộ độc, Việt Nam chính thức cấm bóng cười
Tạp chí Tri thức cho biết, bóng cười là tên gọi phổ biến của khí Nitrous Oxide (N₂O). Trong y học, khí này được sử dụng hợp pháp để gây mê nhẹ, giảm đau trong nha khoa hoặc sản khoa. Tuy nhiên, khi được hít trực tiếp với mục đích giải trí, N₂O có thể gây ra các phản ứng nguy hiểm với hệ thần kinh và hô hấp.
Bác sĩ Lê Thị Bích Phượng, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết khí N₂O có thể gây ra nhiều biến chứng thần kinh như tê bì, yếu chi, rối loạn thăng bằng, giảm trí nhớ, thậm chí thoái hóa tủy sống. Bên cạnh đó, người dùng còn dễ rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng, kích động, mê sảng. Nếu sử dụng liều cao hoặc hít liên tục, người dùng có thể bị ngạt do thiếu oxy, suy hô hấp, thậm chí ngưng tim.
Ngoài ra, N₂O còn ảnh hưởng đến hệ tạo máu do cản trở hấp thu vitamin B12, gây thiếu máu đại bào. Khi kết hợp với rượu, cocaine hoặc ketamine, nguy cơ đột tử càng tăng cao. Điều đáng lo ngại là nhiều người trẻ, trong đó có cả người nước ngoài, vẫn chủ quan và xem nhẹ tác hại của loại khí này.
Mặc dù bóng cười đã bị cảnh báo ở nhiều quốc gia, song hiện tượng lạm dụng chất này vẫn phổ biến tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt trong các quán bar, karaoke, tụ điểm vui chơi về đêm. Nhiều nơi cung cấp bóng cười dưới dạng bình khí mini, bán lén lút hoặc phục vụ trực tiếp cho khách.
Các bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Nhân dân 115, Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bạch Mai (Hà Nội) đều ghi nhận số ca ngộ độc bóng cười có xu hướng tăng. Đáng chú ý, số nạn nhân là người nước ngoài – bao gồm khách du lịch, người lao động, sinh viên – cũng không ít, phần lớn do thiếu hiểu biết và không lường trước mức độ nguy hiểm.
Nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức ban hành lệnh cấm kinh doanh và sử dụng bóng cười chứa khí gây nghiện. Đây là động thái mạnh tay nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ trước một “trò chơi giải trí” có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
NB (t/h)