An toàn hơn nhờ tháo "mạng nhện" trên cao
Sau nhiều năm quyết tâm ngầm hóa lưới điện ở khu vực trung tâm TP.HCM, những cây cột điện oằn mình bởi các búi dây chằng chịt, hay còn gọi là mạng nhện trên cao từng là nỗi kinh hãi của người dân, nhất là khi mưa giông sấm sét, đã dần được gỡ bỏ. Nhiều tuyến phố trở nên rộng rãi, khang trang và an toàn hơn.
Đường Dương Quảng Hàm sau khi được mở rộng, ngầm hóa lưới điện nhìn sạch đẹp, thông thoáng.
Ngày 4/7, PV Báo Xây dựng ghi nhận tại dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm (phường An Nhơn, TP.HCM), dự án trọng điểm của thành phố mới đưa vào sử dụng sau khi mở rộng đường và ngầm hóa lưới điện.
Trước đây, đường Dương Quảng Hàm cũ bị bó hẹp, thường xuyên xảy ra ùn ứ, đường lưới điện chi chít làm mất mỹ quan đô thị và thiếu sự an toàn.
Tuy nhiên, sau khi nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm được hoàn thành, gần trăm trụ điện với dây điện chi chít như mạng nhện đã được dỡ bỏ, thay thế bằng điện ngầm đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị được nâng cao.
Bà Nguyễn Thị Minh (68 tuổi, ngụ phường An Nhơn) cho biết: Từ khi mở rộng và ngầm hóa lưới điện đường Dương Quảng Hàm xong người dân ở đây rất phấn khởi vì có con đường khang trang, rộng rãi, an toàn.
Đường này, trước đây có rất nhiều cột điện, dây điện lòng thòng và đã xảy ra nhiều vụ chập điện, cháy nổ gây thiệt hại tài sản, mất an toàn. Bây giờ, đường điện được ngầm hóa thế này thì chúng tôi an tâm vì an toàn lại văn minh.
Nhân viên điện lực đang kiểm tra công tơ trên đường Dương Quảng Hàm sau khi được ngầm hóa lưới điện.
Ông Dương Trí Minh, Phó phòng dự án 5, Ban quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM cho biết, quá trình ngầm hóa đường lưới điện dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm đơn vị tương đối áp lực vì phải đảm bảo tiến độ để kịp hoàn thành trước đại lễ 30/4.
"Vì mặt bằng giao chậm hơn dự kiến nên chúng tôi phải phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM và các đơn vị liên quan thi công xuyên ngày đêm để kịp tiến độ.
Để đảm bảo nguồn điện không bị gián đoạn, đơn vị đã ngầm hóa lưới điện trước để người dân có điện sinh hoạt, sau đó mới tiến hành cắt bỏ các trụ điện và phần dây điện nổi. Sau 5 tháng thi công, dự án đảm bảo tiến độ, kịp đưa vào sử dụng ngày lễ 30/4", ông Minh chia sẻ.
Đường Dương Quảng hàm trước đó bó hẹp, đường điện chi chít như mạng nhện, mất an toàn.
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, sau 20 năm thực hiện ngầm hóa đường lưới điện, Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối đã thực hiện hàng trăm dự án ngầm hóa trải dài khắp thành phố.
Các dự án lớn ở trung tâm TP.HCM, đơn vị đã triển khai xong như: Ngầm hóa các tuyến đường bên trong ô phố Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám; ngầm hóa các tuyến đường bên trong phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Sa, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng; ngầm hóa các tuyến đường bên trong phố Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh; ngầm hóa lưới điện trên đường Lý Chính Thắng (từ Công trường Dân Chủ đến Hai Bà Trưng); ngầm hóa lưới điện trung hạ thế trên đường Điện Biên Phủ; ngầm hóa các tuyến đường bên trong phố Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Định…
Đường Điện Biên Phủ sau khi được ngầm hóa lưới điện trung hạ thế trên cao tạo không gian thông thoáng, khang trang và an toàn. Ảnh: S.T
Các dự án ngầm hóa đã làm thay đổi diện mạo TP.HCM, giúp thành phố khang trang, hiện đại, an toàn, nhất là khu vực trung tâm thành phố.
Bà Phạm Quỳnh Hoa (58 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Tây) cho hay, bà rất khó chịu với những cây cột điện oằn mình gánh các búi dây lằng nhằng, nhìn lúc nào cũng như muốn đổ sập xuống người đi đường. Bà mong muốn thành phố ngầm hóa lưới điện nhanh chóng để không xảy ra tai nạn, cháy nổ hay chập điện... "Ngầm hóa lưới điện lẽ ra phải làm nhanh hơn, nhiều hơn nữa", bà Hoa chia sẻ.
Cần lắm sự chung tay
Ông Bùi Hải Thành, Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho hay, vào đầu những năm 2000, TP.HCM đối mặt với tình trạng hệ thống dây điện và cáp viễn thông trên cao chằng chịt, mà người dân hay gọi là các "mạng nhện" trên đường.
Để thực hiện di dời đường điện hiện hữu và ngầm hóa lưới điện, các công nhân, kĩ sư điện lực phải làm vào giờ khuya, từ 22h đến sáng.
Trước đó, năm 2003-2005, EVNHCMC đã thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi với khối lượng thực hiện là 9,2km lưới trung thế và 9,5km lưới hạ thế.
Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng "mạng nhện" dây thông tin vẫn còn.
Đến năm 2009 - 2010, ngành điện triển khai thực hiện thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại các khu vực xung quanh Hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Với khối lượng thực hiện gồm 9,23km lưới trung thế và 46,57km hạ thế đã được ngầm hóa.
Đặc biệt vào năm 2014, UBND TP.HCM đã ra quyết định thành lập "Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông trên địa bàn thành phố" nhằm nâng cao khối lượng và đẩy nhanh tốc độ ngầm hóa.
Đường Lê Thánh Tôn, Hội trường Thành ủy được ngầm hóa lưới điện vào những năm 2009-2010.
Giai đoạn 2016 - 2020, EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch chi tiết hơn, mở rộng phạm vi ra các quận nội thành khác như quận 7, quận 5, quận 10 và một phần khu vực ngoại thành, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của thi công.
Giai đoạn 2021 - 2025 là thời kỳ TP.HCM tập trung hoàn thiện hệ thống lưới điện ngầm, đồng thời đặt nền móng cho các mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Các dự án ngầm hóa không chỉ dừng lại ở khu vực trung tâm mà còn mở rộng ra các quận ngoại thành như Bình Tân, Tân Phú và TP Thủ Đức.
Về tình hình triển khai ngầm hóa lưới điện hiện nay, ông Thành cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện giai đoạn (2021 - 2025) là 500km lưới điện trung thế và 800km lưới điện hạ thế. Khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện bình quân hàng năm là 100km lưới điện trung thế, 160km lưới điện hạ thế trong giai đoạn này với tổng số 155 dự án.
Hiện tại, EVNHCMC đã thi công hoàn tất 56 dự án ngầm hóa với khối lượng ngầm hóa 245/500km lưới điện trung thế (đạt 49% kế hoạch) và 472/800km lưới điện hạ thế (đạt 59% kế hoạch).
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành điện lực đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án ngầm hóa lưới điện.
Ông Bùi Hải Thành đánh giá, dù các công nhân làm đêm liên tục, nhưng việc ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2021 - 2025 không đạt mục tiêu đề ra.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, các dự án ngầm hóa phải tạm ngừng thi công, kế hoạch bố trí vốn với các đơn vị viễn thông không đồng bộ... Từ năm 2023 đến nay, tình hình tài chính của EVN đang gặp nhiều khó khăn, song song đó EVNHCMC cũng không còn được sử dụng nguồn vốn kích cầu của thành phố, do đó việc thu xếp, bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án ngầm hóa gặp khó.
Ngoài ra, công tác phối hợp thi công giữa các đơn vị chưa được đồng bộ nên một số vị trí trụ chưa được thu hồi, tháo dỡ sau khi ngầm hóa lưới điện (vướng cáp viễn thông hiện hữu, chiếu sáng công cộng, camera an ninh, giao thông…).
Để đạt mục tiêu, trung bình mỗi năm, ngành điện phải làm được 100km lưới điện trung thế, 160km lưới điện hạ thế trong giai đoạn 2021 - 2025, nhưng thực tế đến nay mới chỉ đạt hơn một nửa.
Ông Thành mong muốn các đơn vị khác sẽ cùng chung tay với ngành điện trong việc thực hiện kế hoạch ngầm hóa để tới năm 2030, thành phố đạt kế hoạch ngầm hóa 100% lưới điện tại khu vực trung tâm và các khu đô thị mới. Đồng thời, thành phố hướng tới tích hợp hạ tầng ngầm với các dự án phát triển bền vững như năng lượng tái tạo và hệ thống quản lý thông minh, để khẳng định vị thế một đô thị hàng đầu khu vực.
Quang Bảo