TP.HCM sắp mở thêm nhiều tuyến du lịch đường thủy kết nối với miền Tây và Đông Nam Bộ

TP.HCM sắp mở thêm nhiều tuyến du lịch đường thủy kết nối với miền Tây và Đông Nam Bộ
4 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM năm 2025.
Thêm nhiều tuyến kết nối mới
Theo đó, TP.HCM dự kiến có thêm ít nhất từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ và có hơn 10 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đến TP.HCM tăng từ 10% - 15% so với cùng kỳ.
Cụ thể, Sở này cho biết sẽ tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá và xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề mới và các sản phẩm du lịch đường thủy kết nối TP.HCM với các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong đó, TP sẽ ưu tiên phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm trung như phát triển tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (Quận 7) đi huyện Cần Giờ liên tuyến tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với du lịch biển;
Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đi huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi gắn du lịch sinh thái, trải nghiệm các hoạt động thể thao dưới nước;
Phát triển tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Phước Khánh (huyện Nhà Bè) hoặc bến Bạch Đằng (Quận 1) đến huyện Cần Giờ, liên tuyến đến huyện Cần Giuộc (Long An), huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) gắn du lịch sinh thái, trải nghiệm các hoạt động thể thao dưới nước....
TP.HCM sẽ chú trọng phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm trung và tầm xa.
Cạnh đó, TP.HCM cũng chú trọng phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm xa ( trên 60km) như nâng cấp, phát triển tuyến du lịch đường thủy từ TP.HCM - Bình Dương - Tây Ninh; TP.HCM - Long An gắn với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thể thao golf;
Phát triển các tuyến du lịch đường thủy từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2): TP.HCM - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau và ngược lại...
Phát triển du lịch đường thủy gắn với tuyến phà biển từ huyện Cần Giờ đi Vàm Láng, (tỉnh Tiền Giang) và ngược lại; Phát triển du lịch đường thủy gắn với tuyến tàu cao tốc đi từ Bến Bạch Đằng (Quận 1) hoặc cảng Sài Gòn (Quận 4) đến bến cảng du thuyền TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đến cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) liên tuyến đến Thủ đô Phnom Penh (Campuchia)....
Kế hoạch này nhằm khai thác tiềm năng du lịch đường thủy, quảng bá văn hóa, sinh thái và thể thao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh, góp phần nâng cao vị thế du lịch TP.HCM trong khu vực.
Trao đổi với PV PLO, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, đơn vị vận hành tuyến buýt sông Saigon WaterBus, thông tin trong 5 ngày nghỉ Lễ 30-4, 1-5, buýt sông ước tính phục vụ khoảng 5.000- 7.000 lượt khách/mỗi ngày.
"Nếu TP.HCM thực sự muốn đưa giao thông, du lịch đường thủy trở thành điểm nhấn phát triển bền vững, mang tính kết nối các cảnh quan, kết nối vùng thì điều kiện tiên quyết là phải “cởi trói” cho hạ tầng.
Mỗi bến thủy không thể chỉ là một điểm dừng, để hệ thống hoạt động hiệu quả, các bến phải được quy hoạch bài bản với vùng nước đủ chuẩn kỹ thuật để tàu cập – rời an toàn, đồng thời có kết nối mặt đất thông suốt, tạo điều kiện cho hành khách dễ dàng tiếp cận và chuyển đổi phương tiện" - ông Toản nói.
Theo ông Toản, nếu không đầu tư vào hệ thống bến cảng – từ vị trí, không gian vùng nước kỹ thuật cho tàu cập bến, đến khả năng tiếp cận dễ dàng bằng đường bộ thì phát triển du lịch đường thủy chỉ dừng ở mức kỳ vọng.
Ông cũng chỉ rõ, khi các điểm đón trả khách còn thiếu đồng bộ, người dân và du khách tiếp cận giao thông thủy vẫn gặp khó, thì việc phát triển ngành du lịch đường sông sẽ khó hiện thực hóa.
TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch nhìn nhận, việc phát triển du lịch đường sông, đánh thức tiềm năng sông nước thời gian qua luôn được TP.HCM chú trọng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu hụt bến bãi và hệ thống bến thủy nội địa đạt chuẩn để phục vụ việc neo đậu tàu thuyền.
“Nếu không có hạ tầng thì rất khó để phát triển du lịch sông nước một cách bền vững,” ông Minh nhận định, đồng thời ông nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược phát triển dài hơi, đi kèm cơ chế chính sách phù hợp nhằm phân bổ hiệu quả quỹ đất ven sông và đầu tư vào bến bãi, không gian công cộng phục vụ tham quan, giải trí.
"Việc xây dựng các tour liên tuyến đường sông, kết nối nhiều điểm đến giữa các địa phương không chỉ giúp đa dạng hóa hành trình du khách mà còn tạo thêm các điểm dừng chân sinh động, góp phần nâng cao giá trị trải nghiệm", ông Minh phân tích.
Ứng dụng công nghệ để giới thiệu sông Sài Gòn
Để du lịch đường thủy năm 2025 "bùng nổ", Sở Du lịch cũng đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể như xây dựng "Tour du lịch đường sông tầm ngắn tương tác thông minh thực tế ảo” để ứng dụng giải pháp chuyển đổi số ứng dụng công nghệ VR, AR,..vào việc giới thiệu tour du lịch đường sông tầm ngắn trên sông Sài Gòn trong 2 khung giờ ngày và đêm. Qua đó, giới thiệu đến du khách về lịch sử, văn hóa sông Sài Gòn gắn với sự phát triển của TP.HCM.
TP.HCM đang xây dựng "Tour du lịch đường sông tầm ngắn tương tác thông minh thực tế ảo” để giới thiệu sông Sài Gòn.
TP cũng sẽ xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy để cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn TP.HCM; Giới thiệu các sản phẩm tour du lịch đường thủy đang khai thác tại TP.
Bộ thuyết minh này bằng 2 loại ấn phẩm giấy và điện tử, bảng song ngữ (Việt-Anh); Xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS.
Ngoài ra, Sở Du lịch cũng sẽ tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá các sản phẩm du lịch đường thủy. Về quy hoạch, Sở yêu cầu mỗi quận huyện có lợi thế ven sông cần xây dựng ít nhất một công viên cùng với các công trình phúc lợi công cộng, công trình văn hóa, thể thao gắn với hoạt động du lịch đường thủy trên địa bàn.
Đồng thời, rà soát và bổ sung vào quy hoạch các vị trí neo đậu, bến thủy nội địa, khu vực vui chơi giải trí dưới nước; các dự án đầu tư các bến neo đậu dành cho du thuyền, cano, tàu lưu trú và các tàu, thuyền khác phục vụ du lịch;
Quy hoạch bổ sung các dự án về du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn và các bè nổi nuôi trồng thủy sản và các khu vực phục vụ vui chơi giải trí dưới nước kết hợp với nhà hàng phù hợp với điều kiện thực tế tài nguyên của mỗi quận, huyện. Kêu gọi đầu tư và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển du lịch đường thủy.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/tphcm-sap-mo-them-nhieu-tuyen-du-lich-duong-thuy-ket-noi-voi-mien-tay-va-dong-nam-bo-post847823.html