TP.HCM sau sáp nhập: Mục tiêu tăng trưởng 8,5%, đẩy mạnh quy hoạch và hạ tầng

TP.HCM sau sáp nhập: Mục tiêu tăng trưởng 8,5%, đẩy mạnh quy hoạch và hạ tầng
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 4/7, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2025. Đây là phiên họp đầu tiên của TP.HCM sau sáp nhập, được kết nối trực tuyến với 168 phường, xã và đặc khu mới.
Phiên họp đầu tiên của lãnh đạo UBND TP.HCM với 168 phường, xã, đặc khu sau hợp nhất. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Phấn đấu tăng trưởng 8,5%
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, phiên họp có vai trò quan trọng trong việc nhìn lại những thành tựu đạt được, hạn chế còn tồn tại và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn cuối năm. Đặc biệt, cuộc họp cũng tập trung đánh giá 4 ngày làm việc đầu tiên sau khi TP.HCM vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhất là ở 168 phường, xã, đặc khu mới.
Ông Được yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và vận hành bộ máy mới, tình hình thực hiện thủ tục hành chính ở các cấp, ngành, tỷ lệ người dân đến làm thủ tục hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ nhằm đảm bảo sự hài lòng của người dân.
Về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Nguyễn Văn Được đánh giá thành phố đã đạt mức tăng trưởng khá, ước tính 7,4% GRDP, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.
Tuy nhiên, ông Được cũng lưu ý, giai đoạn này chưa chịu tác động từ việc Mỹ áp thuế đối ứng. Lãnh đạo thành phố đề nghị các cơ quan chức năng đánh giá kỹ lưỡng ảnh hưởng của chính sách thuế này đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng GRDP trong 6 tháng cuối năm để xác định mục tiêu tăng trưởng 8 - 8,5% năm 2025 có khả thi.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, 6 tháng đầu năm, GRDP ước đạt 6,56% (tính dầu thô) và 7,49% (nếu không tính dầu thô). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,2%. Tổng thu hút vốn FDI đạt hơn 5,2 tỷ đồng, thu ngân sách ước đạt 415.000 tỷ đồng, đạt 60% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch Thủ tướng giao.
TP.HCM bước sang ngày thứ tư áp dụng chính quyền hai cấp. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Trong đó, TP.HCM (cũ) ghi nhận GRDP tăng 7,82% và thu ngân sách ước đạt 322.000 tỷ đồng (hơn 62% dự toán). Tỉnh Bình Dương (cũ) tăng trưởng GRDP 8,3%, thu ngân sách ước 44.800 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 15%. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) chỉ tăng trưởng GRDP 2,61%, thu ngân sách ước 48.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 39%.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được cũng định hướng về công tác quy hoạch, cho rằng ba địa phương trước sáp nhập đã công bố các đồ án quy hoạch, nhưng sắp tới cần có sự điều chỉnh ở góc độ rộng hơn, với tầm nhìn và chiến lược mới để tận dụng lợi thế tổng thể. Mục tiêu đặt ra là đưa TP.HCM lọt vào 100 thành phố đáng sống trên thế giới.
Một vấn đề quan trọng khác là tổ chức Đại hội Đảng trong 3 tháng tới. UBND TP.HCM sẽ phát động cao điểm thi đua 100 ngày chào mừng đại hội, yêu cầu các cấp, ngành đề ra những nhóm nhiệm vụ để hoàn thành xuất sắc.
Rà soát quy hoạch, đẩy mạnh hạ tầng và giao thông trọng điểm
Tại buổi họp, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Võ Hoàng Ngân thông tin thêm về ba nhiệm vụ lớn thành phố đang tập trung thực hiện sau sáp nhập. Đó là công tác quy hoạch TP.HCM mới, các công trình giao thông trọng điểm và giải quyết nhà ở ven kênh rạch.
Sở Xây dựng đặt ra ba nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, về công tác quy hoạch sau sáp nhập, TP.HCM đã mở rộng địa giới hành chính, tiếp nhận thêm toàn bộ địa bàn hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ. Cả ba khu vực đều đã có quy hoạch tỉnh được phê duyệt trước đó, vì vậy, thành phố đang rà soát, điều chỉnh tổng thể.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ trọng tâm là điều chỉnh quy hoạch chung của toàn thành phố theo luật đô thị. Do Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây không trực thuộc Trung ương nên không có nhiệm vụ này. Sau sáp nhập, TP.HCM sẽ mở rộng phạm vi, cập nhật quy hoạch chung, làm cơ sở rà soát quy hoạch chuyên ngành, kỹ thuật hạ tầng, giao thông và quy hoạch phân khu để triển khai đầu tư.
Quy hoạch giai đoạn tới tập trung đồng bộ hệ thống giao thông, gồm đường bộ, đường sắt và tổ chức không gian đô thị, không gian phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nhằm tạo động lực và sự tương hỗ giữa các vùng.
Dự án nút giao An Phú dự kiến hoàn thành năm 2025. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Lĩnh vực đường bộ và đường sắt sẽ chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng vành đai, quốc lộ, mở rộng mạng lưới đường sắt quốc gia và thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về dự án đường sắt Việt Nam... Thành ủy TP.HCM đã ban hành đề án phát triển đường sắt đô thị. Thời gian tới, đề án này được cập nhật, bổ sung quy hoạch đường sắt kết nối thêm từ Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ.
Cũng theo ông Ngân, Sở Xây dựng đang tham mưu xây dựng nghị quyết HĐND về quy định chi tiết phát triển hệ thống đường sắt đô thị kết hợp mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông (TOD), nhằm đảm bảo hệ thống được phát triển đồng bộ, hiệu quả, bài bản.
Về các dự án giao thông trọng điểm, 6 tháng qua, TP.HCM trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương 7 dự án, đẩy nhanh thi công và đưa vào sử dụng 9 dự án. Thành phố cũng đang tập trung giải ngân và giải phóng mặt bằng dự án BOT quốc lộ 13 với tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng.
Loạt nhà ở ven kênh rạch đang được lên kế hoạch di dời để cải trang đô thị. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu phê duyệt thêm 9 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có 4 dự án BOT thực hiện theo Nghị quyết 98. Sở này cũng đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 dự án lớn, bao gồm nút giao An Phú và đường Vành đai 3, nhánh phía Đông. Dự kiến dịp Quốc khánh 2/9 hoàn tất thủ tục để khởi công 6 dự án trọng điểm.
Cuối cùng, về giải quyết nhà ở ven kênh rạch, TP có kế hoạch thực hiện chỉnh trang phát triển nhà, đô thị giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung di dời trên 6.500 căn nhà ven kênh rạch. Dù đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025, đến nay, TP mới di dời khoảng 2.900 căn.
"Tháng 6 vừa qua, UBND TP có đề án chỉnh trang đô thị và chỉnh trang những khu vực ven kênh rạch giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu hoàn thành trong năm 2030 và chọn quận 8 là địa bàn thí điểm để chỉnh trang đô thị, cũng như các vấn đề nhà ở ven kênh rạch. Theo đó, Sở Xây dựng sẽ tập trung tham mưu để có danh mục, kế hoạch thực hiện cụ thể đối với từng khu vực, dự án... để làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đăng ký vốn đầu tư trong giai đoạn thực hiện", ông Ngân chia sẻ.
UBND TP.HCM đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại mở rộng quy mô, giải ngân vốn đầu tư công cao. Hoạt động sản xuất trong nước ổn định hơn nhờ triển vọng đàm phán thương mại, tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chưa chịu tác động từ việc Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế đối ứng, các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó, đẩy nhanh tiến độ sản xuất để giao hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế gặp khó khăn do khối lượng công việc lớn, khiến một số nhiệm vụ còn bị động, chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng. Công tác huy động nguồn lực đất đai còn chậm, các quỹ đất lớn chưa hoàn thiện pháp lý. Nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ do thiếu cát san lấp và vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/tphcm-sau-sap-nhap-muc-tieu-tang-truong-85-day-manh-quy-hoach-va-ha-tang-192250704101443525.htm