Phát biểu kết luận tại phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhận định đây là giai đoạn "lửa thử vàng, gian nan thử sức" với TP.HCM, khi cùng lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng, vừa lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội với kịch bản tăng trưởng cao, vừa tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao năng lực vận hành trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến không thuận lợi.
TP.HCM cần có 2 tập đoàn dẫn dắt
Dù đối mặt nhiều thách thức, ông đánh giá TP.HCM đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, TP còn một số tồn tại, ví dụ như tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao, khi cứ 10 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có tới 9 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Ngoài ra, TP.HCM mới cũng sẽ chịu tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp; việc triển khai các kết luận, chỉ đạo còn chậm; một số chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng trong vận hành theo mô hình mới.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông cho rằng khối lượng công việc đặt ra là rất lớn. TP.HCM cần đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, hoàn thiện mô hình chính quyền hai cấp và duy trì tăng trưởng kinh tế theo kịch bản cao.
Để làm được điều đó, ông đề nghị các cấp, các ngành cần thống nhất một số quan điểm xuyên suốt, xóa bỏ ranh giới hành chính giữa các đơn vị, không phân biệt địa bàn mà phải phát huy thế mạnh từng khu vực, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển chung.
Trước đó, chia sẻ tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh cho rằng định hướng phát triển sắp tới là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như đẩy nhanh công tác thẩm định, cấp phép, rút ngắn tiến độ xây dựng để sớm đưa dự án vào hoạt động, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất công nghiệp.
Về định hướng theo vùng, ông Minh đề xuất TP.HCM cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, còn khu vực Bình Dương cũ tiếp tục giữ vai trò trung tâm công nghiệp...
Chủ tịch Nguyễn Văn Được sau đó cũng nhấn mạnh TP.HCM mới cần có ít nhất hai tập đoàn Nhà nước lớn để dẫn dắt, từ đó đưa khu vực kinh tế Nhà nước trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển.
Hiện, TP mới đã có một doanh nghiệp mạnh là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC (HoSE: BCM), trước thuộc UBND tỉnh Bình Dương. Ông gợi ý tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để hình thành thêm một tập đoàn lớn, có thể là "Tập đoàn Sài Gòn", để kết hợp sức mạnh và tối ưu hóa nguồn lực sẵn có.
Kêu gọi Becamex tham gia nghiên cứu làm metro
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Becamex cho biết hệ thống doanh nghiệp thuộc tập đoàn có tổng cộng 35 thành viên với tổng tài sản khoảng 160.000 tỷ đồng, trong đó Becamex nắm giữ 95,44% cổ phần.
Vị này khẳng định đây là nguồn lực lớn mà TP cần khai thác hiệu quả, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn về vốn. "Nếu thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, minh bạch thì TP hoàn toàn có thể huy động hiệu quả nguồn lực này để tạo ra đột phá phát triển", ông nói.
Đại diện Becamex cho biết doanh nghiệp đang nhắm đến những trục lớn như trục Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13... và đường sắt đô thị.
Theo đó, ông đề xuất với TP.HCM mới cập nhật và bàn giao tất cả những công việc mà Bình Dương cũ đã giao nhiệm vụ cho từng ngành, trong đó có Becamex. "Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển giai đoạn mới. Chúng tôi tin rằng với mục tiêu GDP là 8,5%, nếu chúng ta nỗ lực và cật lực tốt trong vấn đề này, chắc chắn sẽ có một sự phát triển rất tốt", ông bổ sung.
Ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn Becamex sẽ tiếp tục được giao triển khai các dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo TP cùng các sở ngành để đồng hành, phát triển TP.HCM mới một cách bền vững.
Becamex IDC là chủ đầu tư dự án khu đô thị Thành phố mới Bình Dương và một loạt khu công nghiệp, dự án hạ tầng với quy mô lớn. Ảnh: Quỳnh Danh.
Thống nhất đề nghị của Becamex Bình Dương, Chủ tịch Nguyễn Văn Được cho biết TP.HCM sẽ khai thác, tận dụng thế mạnh của đơn vị này. Ông đề nghị các sở, ngành cần tạo điều kiện để chính các doanh nghiệp Nhà nước tham gia các dự án lớn như giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường sắt đô thị.
Hiện TP đặt mục tiêu phát triển 7 tuyến metro, trong đó đã có 4-5 doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tham gia nghiên cứu đầu tư. Chủ tịch Được đề xuất Becamex nghiên cứu tham gia một số tuyến còn lại.
Theo ông, đây là cách để tận dụng nội lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời hình thành những "thế lực mới" trong phát triển.
Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh Becamex có năng lực mạnh trong đầu tư hạ tầng, bất động sản và sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn ở Bình Dương cũ, trong khi TP.HCM cũ lại có ưu thế trong việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao.
Từ đó, ông gợi ý việc kết hợp hai thế mạnh này để hình thành Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp công nghệ cao mới, phục vụ chiến lược phát triển chung của TP.HCM mới.
Liên Phạm