TP.HCM thành siêu đô thị, khu vực nào sẽ đón sóng đầu tư mới?

TP.HCM thành siêu đô thị, khu vực nào sẽ đón sóng đầu tư mới?
9 giờ trướcBài gốc
Khu Đông Bắc TP.HCM hợp nhất từ Bình Dương và một phần Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo là tâm điểm của thị trường
Từ ngày 1/7/2025, TP.HCM chính thức vận hành chính quyền hai cấp, hợp nhất không gian phát triển của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển đô thị của Việt Nam, mở ra cơ hội hình thành siêu đô thị.
Bài học từ Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến
Tại hội thảo chuyên đề “Bất động sản siêu đô thị TP.HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội” diễn ra ngày 12/7, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng TP.HCM đang đứng trước cơ hội hiếm có để vươn lên thành siêu đô thị hiện đại, nhưng cần đi kèm những chuyển đổi đột phá về tư duy quy hoạch, quản trị và liên kết vùng.
Theo TS Lực, TP.HCM cần nhìn vào các mô hình siêu đô thị toàn cầu để học hỏi. Trong đó, Seoul (Hàn Quốc) nổi bật với mô hình đô thị thông minh hàng đầu thế giới và dữ liệu lớn, AI, IoT được ứng dụng hiệu quả trong điều hành.
Tiếp đó, Thượng Hải (Trung Quốc) là hình mẫu đô thị cảng toàn cầu với quy hoạch đa trung tâm, hạ tầng kết nối hiện đại và đặc khu kinh tế thu hút FDI quy mô lớn.
Thâm Quyến (Trung Quốc) là biểu tượng thành công của mô hình đặc khu kinh tế, thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, Mumbai (Ấn Độ) cho thấy nỗ lực mở rộng không gian phát triển qua dự án lấn biển, nhưng cũng cảnh báo các vấn đề đô thị như ngập lụt, nhà ở thiếu hụt, ô nhiễm và chênh lệch giàu nghèo.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
TS Cấn Văn Lực cho biết TP.HCM hiện chiếm hơn 13% dân số và gần 24% GDP cả nước, là đầu tàu kinh tế với nền tảng đa ngành, từ tài chính, công nghiệp, công nghệ đến logistics, du lịch. Đặc biệt, thành phố đang đi đầu về cơ chế thí điểm chính sách đặc thù và chuyển đổi số trong quản lý đô thị.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng còn những tồn tại như: hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, giải ngân đầu tư công chậm, thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu liên kết vùng hiệu quả, và các vấn đề xã hội như kẹt xe, ngập nước, nhà ở cho người thu nhập thấp chưa được giải quyết triệt để.
TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh để trở thành siêu đô thị hiện đại và bền vững, TP.HCM cần hoàn thiện bộ máy sau sáp nhập, vận hành hiệu quả theo cơ chế đặc thù (Nghị quyết 98, Nghị quyết 222); phát triển không gian đô thị đa trung tâm, theo quy hoạch đến 2050, với các đô thị vệ tinh như Thủ Đức, Củ Chi, Cần Giờ, Thủ Thiêm...
Một trong những giải pháp đột phá theo ông Lực là hạ tầng kết nối và hạ tầng số, theo mô hình TOD, tích hợp công nghệ AI, IoT trong điều phối giao thông, ưu tiên các dự án liên vùng như sân bay Long Thành, cao tốc Mộc Bài, cảng Cát Lái...
Về định hướng phát triển, ông cũng cho rằng TP.HCM cần chú trọng kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo, tập trung vào 4 trụ cột: tài chính - ngân hàng - logistics; công nghệ cao; công nghiệp chế biến; du lịch - kinh tế biển. Cùng với đó, tăng cường liên kết vùng và hợp tác quốc tế, học hỏi các đô thị lớn như Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến.
Ngoài ra, TP.HCM cần ưu tiên phát triển bền vững, giảm ngập, kiểm soát ô nhiễm, mở rộng không gian xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; nâng cao chất lượng sống, với chính sách nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí cho người dân, đặc biệt tầng lớp thu nhập thấp.
“TP.HCM đang có vị thế để bứt phá, nhưng thành công không đến nếu không có tư duy đột phá, năng lực triển khai mạnh mẽ và khả năng “kéo cả vùng đi cùng”. Bài học từ các siêu đô thị cho thấy yếu tố then chốt chính là một tầm nhìn dài hạn đi kèm các quyết sách kiên định, phối hợp liên ngành, và đặt người dân vào trung tâm phát triển”, vị tiến sĩ nhấn mạnh.
Phân khúc nào sẽ “lên ngôi”
Dưới góc nhìn thị trường, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhìn nhận việc sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ mở rộng địa giới hành chính TP.HCM mà còn mở ra bước ngoặt phát triển mới, đưa thành phố này tiến gần hơn đến mô hình siêu đô thị.
Theo ông Đính, sau sáp nhập, dân số TP.HCM đã vượt mốc 14 triệu người và có thể đạt 18 triệu dân vào năm 2030. Kinh tế thành phố cũng tăng trưởng mạnh, dự kiến đóng góp 1/4 GDP, 1/3 tổng thu ngân sách và hơn 1/5 kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Những con số ấn tượng này không chỉ củng cố vị thế đầu tàu kinh tế mà còn tạo lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng hưởng lợi từ quá trình này. Ông Đính nhấn mạnh, chỉ những địa bàn có hạ tầng tốt, kinh tế năng động và khả năng thu hút cư dân mới thực sự tạo ra sức bật. Trong đó, khu Đông Bắc TP.HCM - khu vực hợp nhất từ Bình Dương và một phần Bà Rịa - Vũng Tàu đang nổi lên như một điểm sáng mới.
Trong nửa đầu năm 2025, khu Đông Bắc ghi nhận nguồn cung khoảng 5.000 căn hộ, tỷ lệ hấp thụ trên 60%, phản ánh rõ sự phục hồi nhu cầu mua nhà, đặc biệt từ hơn 50.000 chuyên gia, kỹ sư làm việc tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển từ khu trung tâm TP.HCM và dòng vốn đầu tư từ phía Bắc cũng góp phần tạo lực cầu mạnh.
Về giá bán, ông Đính cho biết các dự án mới dao động 40-50 triệu đồng/m2, cao hơn 20% so với căn hộ thứ cấp nhưng vẫn thấp hơn 20-30% so với các dự án tương đương tại khu Đông TP.HCM.
Cũng theo ông Đính, việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM, mở rộng quy hoạch đô thị và tái cấu trúc vùng đã tạo nên sự dịch chuyển cư dân, từ trung tâm TP.HCM vốn chật chội về các dự án tọa lạc ngay cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM, nơi này sẽ trở thành tâm điểm mới nhờ được hưởng lợi trực tiếp từ quy hoạch đồng bộ và chính sách phát triển mới. Do đó, phân khúc căn hộ được dự báo sẽ là phân khúc lên ngôi trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, theo ông, hàng loạt dự án hạ tầng đang và sẽ triển khai đang tạo lực đẩy lớn cho khu vực: mở rộng Quốc lộ 13 qua phường Bình Hòa lên 60m, hoàn thành trong 2025; tuyến vành đai 3 TP.HCM, đưa vào sử dụng từ 2026, giúp rút ngắn kết nối đến trung tâm, sân bay Long Thành và các khu công nghiệp; đường ven sông Sài Gòn dài 100km, mở rộng không gian đô thị hiện đại ven sông…
Dù thị trường có tiềm năng, ông Đính khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và ưu tiên các dự án có pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín, quy hoạch đồng bộ. “Nếu chọn đúng thời điểm và đúng sản phẩm, nhà đầu tư có thể đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản siêu đô thị TP.HCM”, ông Đính nói.
Lệ Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/tphcm-thanh-sieu-do-thi-khu-vuc-nao-se-don-song-dau-tu-moi-post187496.html