Ngày 11-12, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc kỳ họp thứ 20. Kỳ họp đã thông qua 51 nghị quyết về các vấn đề kinh tế - xã hội, dân sinh của TP, tạo tiền đề để TP.HCM tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Trong đó có sáu nghị quyết cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, mạnh
Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM đã thống nhất chủ đề năm 2025 là “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của TP” với 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Lập Ban Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM sau khi sáp nhập hai ban
Kỳ họp cũng thông qua dự thảo nghị quyết việc sáp nhập Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc (thuộc UBND TP) thành Ban Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM. Theo quyết nghị, Ban Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của UBND TP và theo phân công, ủy quyền của chủ tịch UBND TP.HCM.
TP.HCM đặt mục tiêu GRDP năm 2025 trên 10%, tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD.
TP.HCM cũng phấn đấu tạo việc làm mới cho 140.000 lao động; tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; thực hiện giảm 0,04% tỉ lệ hộ nghèo với giảm 1.114 hộ nghèo và giảm 0,13% tỉ lệ hộ cận nghèo với 3.553 hộ cận nghèo.
Đồng thời, đạt tỉ lệ 21 bác sĩ/vạn dân; 42 giường bệnh/vạn dân; đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi); bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học; tổng tỉ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ (tuổi sinh đẻ). Phấn đấu nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Nhiều chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư
Một trong nhiều quyết sách quan trọng được thông qua tại kỳ họp là chế độ hỗ trợ thêm đối với gần 1.000 cán bộ, công chức dôi dư, nghỉ do tinh giản biên chế, do sắp xếp đơn vị hành chính, nghỉ công tác trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm…
Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, hưởng chính sách tinh giản biên chế, TP trợ cấp ba tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp thêm năm tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc. Từ năm 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Với cán bộ, công chức cấp xã tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính, TP trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm năm tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc. Từ năm 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Kỳ họp đã thông qua 51 nghị quyết về các vấn đề kinh tế - xã hội, dân sinh của TP. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính, TP.HCM trợ cấp thêm năm tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp thôi việc do tinh giản biên chế, được trợ cấp thêm ba tháng tiền lương để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, được trợ cấp thêm ba tháng phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Ngoài ra, TP cũng có chính sách hỗ trợ người nghỉ hưu trước tuổi… Dự kiến ngân sách TP.HCM cần bảo đảm hằng năm cho các khoản hỗ trợ thêm gần 175 tỉ đồng.
HĐND TP.HCM cũng thông qua dự thảo nghị quyết về quyết định biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính; số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn TP.HCM là 107.021 biên chế. Trong đó có 10.073 biên chế cán bộ, công chức (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã) và 96.948 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc tại 41 phường hình thành sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 269 biên chế cán bộ, 1.046 biên chế công chức và 982 biên chế người hoạt động không chuyên trách. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Ngoài ra, HĐND TP thống nhất đổi tên 283 khu phố khi thực hiện sáp nhập 80 phường.
Bên cạnh đó, HĐND TP cũng thống nhất quy định pháp lý liên quan đến dự toán thu chi, quyết toán ngân sách; kế hoạch đầu tư công năm 2025; nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025; các quy định, chế độ, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội. TP.HCM cũng thống nhất tính tỉ lệ đơn giá thuê đất 0,25%-1,5%, tùy đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và chia theo ba khu vực…
Ở lĩnh vực xã hội, HĐND TP thống nhất đổi tên 18 tuyến đường thành tên các nhân vật lịch sử như Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Đỗ Mười…; đặt tên cho công viên trước Hội trường Thống Nhất (quận 1) là Công viên 30-4; đầu tư 106 tỉ đồng xây dựng tượng đài Nam Bộ kháng chiến đặt tại Công viên 23-9; hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mặt cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; miễn học phí cho học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn TP năm học 2024-2025…
Ngoài ra, HĐND TP cũng hỗ trợ 100% giá vé đi tàu điện cho người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới sáu tuổi; hỗ trợ 100% giá vé cho hành khách sử dụng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trong 30 ngày đầu khai thác thương mại…
TP.HCM sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới
Dựa trên cơ sở các nghị quyết đã ban hành, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND TP.HCM có giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai tích cực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tổng quát và 22 chỉ tiêu chủ yếu.
Ngoài ra, bà Lệ cũng lưu ý chính quyền TP tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, quyết liệt giải ngân 89.000 tỉ đồng đầu tư công trong năm 2025… Cùng với đó, tập trung công tác chuyển đổi số, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành để đồng bộ hóa, tối ưu hóa việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.
Một nhiệm vụ quan trọng khác, bà Lệ yêu cầu UBND TP chỉ đạo các đơn vị tập trung sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính.
“Phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn của cán bộ, công chức, nhân dân khi sắp xếp đơn vị hành chính” - bà Lệ yêu cầu.
TP.HCM cũng cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết.
Theo bà Lệ, TP.HCM càng phải tập trung và khẩn trương thực hiện ngay những nội dung của chủ đề năm 2025, nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra trong tình hình mới; hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị định 84 của Chính phủ; các chương trình, công trình chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.
“Trên tinh thần đó, TP.HCM sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm” - Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
THANH TUYỀN - LÊ THOA