Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tập trung triển khai kế hoạch thực hiện các công trình, các dự án giải quyết ngập tại các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý; kịp thời báo cáo vướng mắc gửi Sở Xây dựng, đề xuất giải pháp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu.
Tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh, rạch theo phân cấp nhằm phát huy hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu; tăng cường công tác xử lý, chế tài những trường hợp xả thải chưa qua xử lý làm tắc nghẽn tuyến cống.
Tiếp tục tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động theo Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý chế tài đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm; quan tâm xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước; tăng cường ứng dụng phần mềm FEDS để theo dõi, cập nhật và có giải pháp giải quyết ngập tại các tuyến đường nhánh, hẻm.
TP.HCM triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm 2025.
Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng (kỹ thuật, giao thông): Đẩy nhanh tiến độ các dự án xóa, giảm ngập thuộc Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025; giải quyết 12 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập giai đoạn 2025 - 2030.
Thực hiện dẫn dòng đảm bảo, hạn chế ngập do ảnh hưởng trong quá trình thi công các dự án giao thông, cải tạo kênh rạch. Hướng dẫn, theo dõi, phối hợp hỗ trợ với các địa phương và đơn vị liên quan kịp thời xử lý khi có ngập nước tại các tuyến đường khi có mưa lớn, kết hợp triều cường.
Ngoài ra, UBND Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, duy tu khẩn trương thực hiện kiểm tra, rà soát tình trạng sinh trưởng, phát triển của hệ thống cây xanh đô thị để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đồng thời, bố trí lực lượng ứng phó khi có mưa bão; tổ chức khắc phục, xử lý ngay các trường hợp cây xanh ngã đổ (nếu có) để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cây xanh trên địa bàn.
Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật xây dựng đối với các công trình, dự án đang triển khai; xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo an toàn xây dựng, xâm hại hệ thống cây xanh đường phố, làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là gây hư hỏng hệ thống cống thoát nước.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh đường phố, công viên thuộc trách nhiệm quản lý để có giải pháp xử lý phù hợp; trồng thay thế những cây bị sâu bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng có khả năng gãy đổ gây nguy hiểm; lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn, chống sửa cây nghiêng.
Phối hợp thực hiện các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật về trồng, chăm sóc và cắt tỉa cây xanh đối với các cây có kích thước lớn, cây cổ thụ nằm trong khuôn viên các công sở, trường học, công viên theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Thanh Tùng