TP Thủ Đức ngập sâu, khi nào mới giải quyết triệt để?

TP Thủ Đức ngập sâu, khi nào mới giải quyết triệt để?
28 phút trướcBài gốc
Vừa qua, những cơn mưa đầu mùa tại TP.HCM đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập. Trong đó, khu vực TP Thủ Đức có tình trạng ngập sâu, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Về vấn đề này, UBND TP Thủ Đức cho biết vừa qua TP Thủ Đức có 24 điểm ngập, 13 điểm theo dõi ngập, TP đã đưa ra nhiều giải pháp lâu dài để xóa ngập.
TP Thủ Đức có 24 điểm ngập
TP Thủ Đức có địa hình phức tạp với 59% diện tích thấp trũng (cao độ ≤ +2m), chịu ảnh hưởng thủy triều từ sông Sài Gòn và Đồng Nai. Hệ thống thoát nước gồm khoảng 556km cống mương, 87 van ngăn triều và 6 trạm bơm, 197 tuyến kênh, rạch với chiều dài khoảng hơn 216 km có chức năng tiêu thoát nước. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống đã cũ, nhỏ (DN400–DN800), chưa đồng bộ, chủ yếu là cống chung thoát cả nước mưa và nước thải, dẫn đến quá tải.
Hiện nay, trên địa bàn TP Thủ Đức có 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập, tập trung tại phường Thảo Điền, Tăng Nhơn Phú A, Linh Tây và Trường Thọ. Năm 2025 (tính đến tháng 5) có 3/9 trận mưa gây ngập, thời gian nước rút <30 phút sau mưa và tập trung nhiều tại chợ Thủ Đức (ngày 10-5).
Cơn mưa kéo dài sáng 10-5 vừa qua khiến nhiều tuyến đường huyết mạch tại TP Thủ Đức, TP.HCM rơi vào cảnh ngập sâu, giao thông đình trệ. Ảnh: PHẠM HẢI
Nguyên nhân gây ngập chủ yếu là do địa hình thấp và lòng chảo gây hội tụ dòng chảy khi mưa lớn. Hệ thống thoát nước cũ xuống cấp, chưa hoàn chỉnh, thường xuyên bồi lắng, mưa lớn kết hợp triều cường.
Bên cạnh đó, nhiều khu vực chưa có cống hoặc không kết nối mạng lưới thoát nước chung; đô thị hóa nhanh làm tăng diện tích không thấm nước, rác thải gây bít các cửa thu nước, cửa mương, hố ga. Đồng thời, tình trạng lấn chiếm cống thoát nước, kênh rạch, hành lang thoát nước còn diễn ra.
Hiện các dự án cải tạo thoát nước chậm do thiếu vốn và giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án.
Cần triển khai loạt dự án chống ngập cho TP Thủ Đức
Theo TP Thủ Đức, để xóa bỏ tình trạng ngập, TP đã đưa ra ba giải pháp chống ngập gồm: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về giải pháp ngắn hạn, TP Thủ Đức cho rằng cần tăng cường công tác trực mưa, ứng cứu khi xảy ra ngập, duy tu, nạo vét thường xuyên hệ thống cống, kênh rạch thoát nước.
Bên cạnh đó là cải tạo thay nắp hố ga bằng lưới thép tăng khả năng thu nước, sửa chữa cải tạo cống hư hỏng và tăng số lượng miệng thu nước tại vùng trũng; bố trí các trạm bơm di động, vận hành công trình kiểm soát triều; xây dựng đê bao, tường chắn tại khu vực thường xuyên tràn bờ do triều để ngăn nước tràn vào khu dân cư.
UBND các phường cần tăng cường lực lượng xung kích phòng chống thiên tai để chủ động xử lý các điểm ngập theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Đồng thời, thường xuyên phối hợp Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình xây dựng lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả thoát nước, bít miệng thu nước của hố ga, hệ thống bờ bao thủy lợi và kênh mương thoát nước trên địa bàn, đặc biệt là gần vị trí hạ lưu Cầu Ngang phía bên phường Linh Đông, nơi người dân xây nhà trong lòng rạch Cầu Ngang.
Hệ thống thoát nước tại TP.HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng đã quá lạc hậu nhưng chưa được đầu tư nâng cấp tương xứng. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa, bê tông hóa diễn ra nhanh, đất tự nhiên ít đi, khả năng thấm nước - thoát nước chậm. Cạnh đó, tình trạng xả rác, lấn chiếm kênh rạch đang diễn ra, còn các dự án chống ngập, thoát nước triển khai rất chậm. Vì vậy, TP Thủ Đức, TP.HCM cần sớm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ khơi thông dòng chảy, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, xả rác ra môi trường, đến thực hiện đồng loạt các dự án chống ngập theo quy hoạch để phát huy hiệu quả.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, chuyên gia đô thị
Đối với giải pháp trung hạn, TP Thủ Đức sẽ tập trung nạo vét hệ thống thoát nước, ưu tiên các vị trí thường xuyên ngập nước để nâng cao năng lực thoát nước. Bên cạnh đó là quản lý vận hành đồng bộ hệ thống thoát nước (trạm bơm, van ngăn triều và cống kiểm soát triều); vận hành cống kiểm soát triều hiện hữu theo quy trình kiểm soát ngập. TP Thủ Đức cũng đưa vào sử dụng dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm.
TP Thủ Đức cũng sẽ triển khai và đưa vào sử dụng các dự án Xây dựng hệ thống thoát nước theo mương Ngọc Thủy, phường Trường Thọ; dự án Xây dựng mới cống Rạch cầu Ngang (thay thế Cầu Ngang cũ tại đường Kha Vạn Cân); dự án Đầu tư xây dựng hệ thống thoát suối Linh Tây, TP Thủ Đức.
Đối với giải pháp dài hạn, UBND TP Thủ Đức sẽ phối hợp Sở Xây dựng, Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục vận hành Nền tảng báo cáo ngập lụt trực tuyến và hỗ trợ ra quyết định TP.HCM.
Đồng thời tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh, rạch vì TP sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Trong đó phải nêu rõ các biện pháp chế tài để người dân hiểu, đồng thuận chấp hành theo quy định.
TP Thủ Đức tiếp tục xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước cho khu vực thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; lập quy hoạch chi tiết, ưu tiên đầu tư trục tiêu thoát chính và mạng lưới cấp I, II cho các khu vực quá tải hoặc chưa có hệ thống thoát nước.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh nạo vét, mở rộng kênh rạch kết hợp chỉnh trang đô thị để tăng diện tích mặt nước và điều tiết tự nhiên; xây dựng một số hồ điều hòa (dưới lòng đường, vỉa hè, công viên) để điều tiết lưu lượng, hạn chế dồn nước về hạ lưu trong thời gian ngắn, gây ngập cục bộ và quá tải cho hệ thống thoát nước khu vực hạ lưu.
Song song đó, TP Thủ Đức sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước tích hợp xử lý nước thải, chống ngập và cải tạo cảnh quan môi trường. Đồng thời, triển khai và đưa vào sử dụng dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (Khu dân cư Thảo Điền).
TP Thủ Đức sẽ triển khai và đưa vào sử dụng dự án xây dựng kè, cải tạo, nạo vét rạch Thủ Đức kết hợp xây dựng trạm bơm (đoạn từ cầu Ngang đến sông Sài Gòn).
Cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư
Để từng bước giải quyết hiệu quả bài toán ngập úng trên địa bàn TP Thủ Đức, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hạ tầng thoát nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nguồn lực còn hạn chế, dẫn đến nhiều dự án chưa được triển khai.
Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành các công trình trọng điểm.
ĐÀO TRANG
Nguồn PLO : https://plo.vn/tp-thu-duc-ngap-sau-khi-nao-moi-giai-quyet-triet-de-post849628.html