UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ Nội vụ về việc góp ý đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Qua nghiên cứu dự thảo của Bộ Nội vụ, UBND TP.HCM cơ bản thống nhất và có một số ý kiến.
Cần ban hành Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt
Theo UBND TP.HCM, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đạo luật có tính nền tảng, là luật cơ bản chi phối các cấu trúc tổ chức ở địa phương.
Với cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang được triển khai thực hiện, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần thiết được rà soát, cập nhật, bổ sung, ban hành mới, chuyển tải những điểm đột phá về thể chế quản lý, thay vì chỉ dừng ở mức sửa đổi.
TP.HCM tiếp tục đề xuất Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
TP.HCM đề xuất cơ quan soạn thảo tách các quy định về chính quyền đô thị sang Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt. Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò là “luật khung”, đưa ra các nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong cả nước.
Luật khung giúp tạo ra một nền tảng chung để đảm bảo tính thống nhất và phối hợp giữa các cấp chính quyền. Từ đó, các địa phương có thể phát triển và áp dụng các quy định cụ thể, sao cho phù hợp với đặc thù của mình.
TP.HCM cho rằng các nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật cần tập trung vào các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Trong đó, cần bổ sung các nguyên tắc để làm rõ sự khác biệt giữa chính quyền địa phương ở nông thôn, chính quyền địa phương ở đô thị và chính quyền địa phương ở các đô thị đặc biệt.
Theo UBND TP.HCM, dự thảo luật sẽ thay thế toàn diện đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương trước, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.
“Đây chính là cơ hội để TP.HCM và các TP trực thuộc Trung ương tháo gỡ các điểm nghẽn phát sinh trong quản lý, điều hành của đô thị” – UBND TP nêu và cho rằng giải pháp pháp lý phù hợp nhất, vừa có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra của TP, vừa đưa TP.HCM phát triển đúng với mục tiêu của Trung ương thì chỉ có thể là ban hành Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt (trong đó có trường hợp TP.HCM).
Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tất cả các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị cần dẫn chiếu trong Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt.
Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm (lúc bấy giờ là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vào ngày 17-8-2024, UBND TP.HCM đề xuất Trung ương xem xét, cho phép xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt.
Sau đó, ngày 12-9-2024, trong thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ các kiến nghị, đề xuất của TP.HCM đều thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với TP để giải quyết cụ thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa.
Làm rõ các khái niệm "phân cấp, phân quyền"
Cũng trong công văn này, UBND TP.HCM đề xuất làm rõ cơ chế vận hành của chính quyền tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Cụ thể, UBND TP đề nghị bổ sung quy định "UBND phải tổ chức họp công khai với người dân, báo cáo HĐND để giải trình các chính sách quan trọng; về việc bắt buộc tổ chức lấy ý kiến người dân đối với các dự án lớn về đất đai, quy hoạch, hạ tầng; về cơ chế khiếu nại, phản hồi trực tuyến cho người dân trên cổng thông tin của UBND".
Đối với cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền, UBND TP đề nghị bổ sung nội dung làm rõ các khái niệm “phân quyền”, “phân cấp”, “ủy quyền” để làm rõ sự khác biệt giữa các hình thức này và minh bạch, thuận tiện trong quá trình thực hiện.
Đề nghị quy định cụ thể tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định về các loại nhiệm vụ có thể ủy quyền và các nhiệm vụ không được ủy quyền, tránh tình trạng lạm dụng.
UBND TP còn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung quy định về việc ủy quyền lại trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được ủy quyền có được ủy quyền lại hay phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý nội dung đã được ủy quyền không, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung…
LÊ THOA