Ngày 26-4, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức chương trình giao lưu và giới thiệu 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP HCM, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
"Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng" đứng đầu danh sách
Sau thời gian bình chọn trực tuyến, Hội đồng Bình chọn TP HCM đã chọn ra 50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu trong chặng đường phát triển 50 năm của thành phố. Danh sách trải dài các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, giao thông, đối ngoại…
Đứng đầu danh sách là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng - biểu tượng cho ngày đất nước thống nhất. Sáng 30-4-1975, quân Giải phóng đồng loạt tiến công vào các mục tiêu trọng yếu. Đúng 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ. TP Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã hiệp đồng chặt chẽ cùng quân chủ lực, nổi dậy đúng thời khắc lịch sử, góp phần quyết định vào thắng lợi chung. Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi là đỉnh cao của chiến tranh cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử như biểu tượng cho ý chí quyết thắng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Thắng lợi này không chỉ giành lại độc lập, tự do cho đất nước mà còn mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Việt Nam thống nhất, hòa bình và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày thống nhất, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI năm 1976 đã thông qua Nghị quyết chính thức đặt tên TP Sài Gòn - Gia Định thành TP HCM. Đây không chỉ là một dấu mốc lịch sử trọng đại mà còn thể hiện lòng tri ân sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định niềm tự hào dân tộc và khát vọng thống nhất đất nước.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) và nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Chánh Trực tại buổi giao lưu. Ảnh: TTXVN
Trên lĩnh vực chính trị còn có sự kiện "Thành phố vinh dự được trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới", "Thành phố Anh hùng".
Trong lĩnh vực kinh tế, TP HCM tiên phong đổi mới tư duy quản lý, dũng cảm "xé rào", tìm hướng đi riêng, từ những ngày "chạy gạo" cứu đói đến lúc trở thành đầu tàu kinh tế cả nước.
Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, các hoạt động tiêu biểu như xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Hội Hoa xuân Tao Đàn, Đường hoa Nguyễn Huệ… đã tạo nên dấu ấn văn hóa riêng của đô thị lớn nhất nước.
Lan tỏa tinh thần cống hiến
Sau phần công bố 50 sự kiện và hoạt động nổi bật, buổi giao lưu nhân vật đã diễn ra đầy xúc động, khi những con người từng gắn bó máu thịt với lịch sử thành phố cùng xuất hiện, chia sẻ ký ức và truyền cảm hứng. Đặc biệt, trong số 5 nhân vật tham gia giao lưu, có đến 3 người nay tuổi đã rất cao nhưng vẫn không ngừng cống hiến cho thành phố.
Đó là nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư (105 tuổi); Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (97 tuổi, bí danh Tư Cang); ông Phạm Chánh Trực (86 tuổi) - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM...
Họ là những nhân chứng sống, không chỉ góp phần làm nên những sự kiện vang dội trong 50 năm qua, mà còn tiếp tục gieo mầm tự hào dân tộc, khơi dậy lý tưởng phụng sự trong lòng lớp trẻ. Như chia sẻ đầy xúc động và tâm huyết của đại tá Nguyễn Văn Tàu: "Độc lập mà chúng ta giành được là đổ biết bao xương máu của thế hệ đi trước".
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết cuộc bình chọn nhằm mục tiêu nhìn lại quá trình 50 năm sau ngày thành phố được hoàn toàn giải phóng: Chúng ta đã làm gì, người dân đã tham gia ra sao và lãnh đạo thành phố đã uyển chuyển như thế nào trước các tình huống lịch sử cụ thể. "Thông qua quá trình bình chọn, chúng ta khẳng định được sức sống mạnh mẽ, sự linh hoạt và nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM trước những thách thức của từng giai đoạn lịch sử" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, cuộc bình chọn không chỉ dừng lại ở việc vinh danh các sự kiện, mà còn chuyển tải các thông điệp lịch sử, giá trị của những sự kiện này đến với giới trẻ thông qua các buổi giao lưu nhằm lan tỏa cảm xúc, niềm tự hào và khát vọng xây dựng TP HCM ngày càng phát triển vững mạnh.
Vinh danh 50 công trình xây dựng tiêu biểu
Chiều cùng ngày, Thành ủy TP HCM tổ chức lễ công bố, vinh danh và giao lưu 50 công trình/cụm công trình xây dựng tiêu biểu của TP HCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết tiêu chí để làm căn cứ bình chọn 50 công trình xây dựng tiêu biểu của thành phố là công trình xây dựng được xác định đầu tư tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố qua các thời kỳ; công trình có tính chất liên kết vùng, tạo động lực lớn cho phát triển TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Hội đồng bình chọn và vinh danh 50 công trình thuộc 5 nhóm tiêu biểu, gồm: y tế (8 công trình/cụm công trình); dân dụng - công nghiệp (5); văn hóa - giáo dục (17); hạ tầng - giao thông (15); nhà ở - khu đô thị (5).
Tại buổi lễ, đại diện 5 nhóm công trình đã giao lưu, chia sẻ về quá trình xây dựng, ý nghĩa, niềm tự hào khi các công trình góp phần định vị và nâng tầm vóc đô thị TP HCM trong 50 năm qua: Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2, cầu Ba Son, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Khu Tưởng niệm các vua Hùng, Nhà Thiếu nhi thành phố.
Q.Anh
PHAN ANH