Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Xây dựng TP.HCM), chia sẻ thông tin mới này trong buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều nay (ngày 17.7).
Sông Sài Gòn dài hơn 250 km, theo địa danh cũ bắt đầu từ Bình Phước, qua Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM rồi hợp lưu với sông Đồng Nai. Đường ven sông Sài Gòn, chủ yếu nằm trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương (trước đây), hiện nay tuyến này thuộc TP.HCM (mới) có hai hướng tuyến chính. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ kết nối với các tuyến đường Vành đai và cao tốc khác của phía Nam, góp phần tăng cường liên kết giữa các địa phương, giúp hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng phía Nam.
Đường ven sông Sài gòn sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quang sông nước, thu hút khác du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Hướng mới để phát triển đô thị, tạo điểm nhấn về cảnh quang sông nước
Tuyến đường ven sông Sài Gòn là một tuyến trục chính đô thị theo hướng Bắc - Nam được Thủ tướng phê duyệt, nằm trong Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, trục ven sông Sài Gòn - Huỳnh Tấn Phát được thiết kế 4-8 làn xe với tổng chiều dài 78,2km, từ tỉnh Tây Ninh đến xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ trước đây).
Mục tiêu quy hoạch tuyến giao thông ven sông Sài Gòn từ phía Bắc qua khu vực trung tâm TP.HCM đến phía Nam qua cầu Cần Giờ kết nối với Cần Giờ, nhằm tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc – Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực phía Bắc cũng như khu vực phía Nam với trung tâm thành phố, nhằm chia sẻ áp lực giao thông với các trục giao thông cửa ngõ Bắc – Nam.
Tuyến này sẽ kết nối với các tuyến Vành đai 2, 3, 4, cao tốc Bến Lức – Long Thành tạo nên một trục hướng tâm, cùng với các tuyến Quốc lộ 22, Quốc lộ13, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành. Tuyến này kết nối các trục ngang liên kết với tỉnh Bình Dương (trước đây) qua các cầu: Phú Long, Phú Cường, Bến Súc, tạo hướng kết nối mới, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 13 nhằm phần nâng cao hiệu quả khai thác và đầu tư của các công trình, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.
“Đường ven sông Sài gòn sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quang sông nước, thu hút khác du lịch trong và ngoài nước. Việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi dự án được đưa vào vận hành còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển,” ông Đường cho biết.
Trục cảnh quan ven sông, kết nối các khu đô thị, cảng thủy nội địa
Theo đại diện Sở Xây dựng hiện TP.HCM đang triển khai các thủ tục để xây dựng đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn với quy mô rộng 31-33m, dài 1,95km, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố.
Tuyến 2 nằm trong địa bàn tỉnh Bình Dương (trước đây). Đoạn này này có tổng chiều dài khoảng 98,2 km, rộng 32m, là một trong những tuyến hạ tầng trọng điểm mà TP.HCM định hướng đầu tư trong giai đoạn 2025–2030, tầm nhìn sau 2030. Tuyến chạy dọc theo sông Sài Gòn kéo từ huyện Dầu Tiếng (trước đây) đến TP. Thủ Đức (trước đây), giúp chia sẻ áp lực giao thông cho Quốc lộ 13, hiện hường xuyên quá tải và ùn tắc.
Tuyến đường cũng đóng vai trò liên kết chiến lược với các tuyến Vành đai 3, 4 và hệ thống logistics đường thủy, tạo tiền đề phát triển không gian đô thị mở rộng về phía Đông và Đông Bắc TP.HCM, hướng đến một đô thị sinh thái, hiện đại và bền vững.
Bên cạnh đó, đường ven sông còn là trục cảnh quan ven sông, kết nối các khu đô thị, cảng thủy nội địa như An Sơn, An Tây, hình thành một hành lang phát triển đô thị mới kết hợp giữa giao thông, không gian xanh, dịch vụ, thương mại ven sông.
Hiện nay, một số đoạn thuộc tuyến đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn TP. Thuận An, Thủ Dầu Một (trước đây) đã được HĐND và UBND tỉnh Bình Dương (trước đây) triển khai các thủ tục đầu tư. “Đối với các đoạn đã đầu tư trước đây sẽ giữ nguyên hiện trạng để phù hợp với thực tế và đảm bảo tiết kiệm nguồn lực. Riêng đoạn từ Cảng An Sơn đến đường Vành đai 3 TP.HCM, do có nhu cầu kết nối giao thông lớn và phục vụ vận chuyển hàng hóa, nên được điều chỉnh mở rộng nền đường lên 42m nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức giao thông và khai thác hiệu quả hạ tầng trong khu vực.” ông Đường cho biết.
Một số đoạn thuộc dự án đường Ven sông Sài Gòn thuộc khu vực phát triển đô thị do Nhà đầu tư tư nhân trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một (trước đây) thực hiện. Một số đoạn tuyến đường ven sông nằm trong các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP. Bến Cát (trước đây) cũng đang thu hút nhà đầu tư như các Dự án Khu vực phát triển đô thị Tân An, Khu đô thị Tây Phú An, Khu đô thị Tây An Tây, Khu đô thị Bắc đường Vành đai, Khu đô thị Tây Bắc Bắc đường Vành đai 4.
PV