Dẫn chứng từ kết quả quan trắc của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM và nhiều nghiên cứu độc lập khác cho thấy, chất lượng không khí tại thành phố đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nồng độ bụi, đặc biệt là bụi tổng (TSP) và bụi mịn (PM10, PM2.5). Tại nhiều nút giao thông trọng điểm, nồng độ bụi vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia.
Mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng cao vào mùa khô, nhất là giai đoạn cuối năm và đầu năm sau, khi thời tiết hanh khô kết hợp với mật độ giao thông cao khiến nồng độ bụi mịn PM2.5 đạt đỉnh. Bên cạnh yếu tố giao thông, chất lượng không khí TP.HCM còn bị chi phối bởi điều kiện khí tượng và nguồn phát thải từ khu vực lân cận.
Theo UBND TP.HCM, mật độ dân cư cao cùng hệ thống giao thông đô thị quá tải đã làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc và lượng khí thải ra môi trường.
TP.HCM có hơn 11 triệu phương tiện sau sáp nhập
Số liệu thống kê đến cuối tháng 6/2025 cho thấy, khu vực TP.HCM cũ có hơn 9,6 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và 8,6 triệu xe máy, tăng lần lượt 9% và 2% so với cùng kỳ năm 2024.
Sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng đô thị TP.HCM mới ước tính có quy mô lên đến 11 triệu phương tiện, trong đó khoảng 1,5 triệu ô tô, tạo áp lực lớn lên môi trường không khí.
Để đối phó với thách thức này, TP.HCM đang xây dựng và triển khai Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Giai đoạn đầu của đề án tập trung vào hệ thống vận tải hành khách công cộng, với mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt trên địa bàn thành phố sử dụng điện hoặc năng lượng sạch.
Sở Xây dựng hiện đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đồng thời bổ sung các đánh giá tác động mở rộng sau điều chỉnh địa giới hành chính. Dự kiến, nghị quyết sẽ được trình UBND và HĐND TP.HCM thông qua trong quý IV/2025 để triển khai toàn diện.
Giai đoạn hai của đề án, dự kiến hoàn thành trong quý III/2025, sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát khí thải sang các nhóm phương tiện khác như taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, ô tô cá nhân và xe của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công - tư, hướng tới chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch.
TP.HCM cũng dự kiến thiết lập các vùng ưu tiên cho xe điện và hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các khu vực trọng yếu như trung tâm TP.HCM, Cần Giờ, Côn Đảo…
Song song đó, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã hoàn tất đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho lực lượng giao hàng và tài xế công nghệ, với lộ trình áp dụng từ ngày 1/1/2026. Mục tiêu đến năm 2029 là hoàn tất chuyển đổi khoảng 400.000 xe thuộc nhóm này sang xe điện.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải nghiên cứu, đề xuất quy định bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy, đồng thời loại bỏ xe cũ nát nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm và đảm bảo an toàn giao thông.
Đ.T