Chiều 28-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lựcđáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: T.THÙY
Xây dựng đội ngũ cấp chiến lược
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, địa phương có hơn 112.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó hơn 50% là người trẻ, có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
Tỉ lệ cán bộ đạt chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp cao, đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm. Đội ngũ này đã phát huy vai trò trong giải quyết những vấn đề phức tạp của quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao về y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.
Dù vậy, tình trạng nghỉ việc ở khu vực công đang là thách thức lớn. Từ năm 2020 đến tháng 4-2023, TP ghi nhận 9.470 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó có 855 cán bộ, công chức và 8.615 viên chức. Số lượng nghỉ việc tập trung nhiều ở các nhóm ngành đặc thù như y tế, giáo dục và nhóm công chức có độ tuổi trẻ.
Cụ thể, riêng lĩnh vực y tế 3.708 trường hợp, chiếm tỷ lệ 43%; theo sau là lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 3.626 trường hợp, chiếm tỷ lệ 42,1%; còn lại 1.281 trường hợp thuộc các lĩnh vực sự nghiệp khác, chiếm tỷ lệ 14,9%.
Về độ tuổi, nhóm từ 35 - 40 tuổi có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, với 41,9% ở cán bộ, công chức và 37,1% ở viên chức.
Lý giải nguyên nhân, UBND TP.HCM cho biết do chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng, chưa tạo đủ động lực để cán bộ, công chức, viên chức an tâm cống hiến lâu dài, đặc biệt khi khu vực tư nhân đưa ra mức thu nhập và cơ hội phát triển hấp dẫn hơn.
Với mức thu nhập và khối lượng công việc cũng như trách nhiệm như hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng nghỉ việc để sớm chuyển sang khu vực tư với mức thu nhập hấp dẫn và cơ hội phát triển cao hơn...
TP.HCM là địa phương đông dân và có mật độ dân số lớn nhất cả nước, đây cũng là nơi mà công chức phục vụ cho số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở TP.HCM là 441.000 dân.
Trong điều kiện bình thường, một biên chế của TP.HCM phải phục vụ cho người dân gấp 3,2 lần cả nước. Đặc biệt trong đợt cao điểm, cán bộ, công chức, viên chức phải xử lý khối lượng công việc tăng cao bất thường, đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội.
Về tình hình nhân sự trong khu vực công, TP.HCM hiện có 13.293 cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, trong đó nữ 5.902 người, chiếm tỷ lệ 44,4%, đảng viên 9.510 người, chiếm tỷ lệ 71,5% và 2% thuộc nhóm dân tộc thiểu số, 262 người.
Đáng chú ý, nhóm dưới 41 tuổi chiếm 8.146 người, chiếm tỷ lệ 61,3%, phản ánh lực lượng lao động trong khu vực công có độ tuổi tương đối trẻ.
Để khắc phục tình trạng này, TP.HCM đang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ gắn với thực hiện Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, phát huy năng lực của công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao nhằm thu hút và phát huy tài năng trẻ vào hệ thống chính trị.
Trong đó, TP xem việc triển khai, thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài gắn với thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là nhiệm vụ quan trọng.
Xây dựng hệ sinh thái đào tạo, sử dụng nhân lực bền vững
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, TP.HCM là trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ của cả nước, vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Do đó, đoàn giám sát mong muốn có cái nhìn toàn diện về thực trạng này, từ đó đưa ra kiến nghị phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM và cả nước.
Cũng theo bà Thanh, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao hàng đầu cả nước.
Để đạt được điều này, TP cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và giữ chân nhân tài; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: T.THÙY
Việc tăng cường hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái đào tạo - sử dụng nhân lực bền vững.
Trên hết, TP cần tận dụng thế mạnh trong khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Cùng với đó, TP.HCM xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó chú trọng các chính sách ưu đãi vượt trội, tạo sức hút cạnh tranh.
Kiến nghị có chính sách phát triển nhà ở cho công nhân
Tiếp thu các ý kiến góp ý từ đoàn giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cũng trao đổi thêm rằng, việc thực hiện các chỉ tiêu về chuẩn hóa 100% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP chưa triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: T.THÙY
Nguyên nhân là do quy mô đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP là rất lớn, thường xuyên có sự thay đổi về số lượng và đối tượng.
Hơn nữa, chính sách thu hút nhân tài còn gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh từ khu vực ngoài công.
Từ đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ kiến nghị cần hoàn thiện chính sách đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Đồng thời, ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo lại lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ cao, kinh tế số, thông qua các hình thức ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực.
Hơn nữa, cần quan tâm toàn diện đến điều kiện sống, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người lao động nhập cư – một lực lượng đóng góp lớn vào sự phát triển của TP.
Cụ thể, bà kiến nghị Quốc hội rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân với mức giá hợp lý, phù hợp với thu nhập thực tế.
Xem xét bổ sung các chính sách hỗ trợ tín dụng, mở rộng hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động.
THANH TUYỀN