Trường Chính trị tỉnh và Thành ủy TP Thanh Hóa phối hợp tổ chức lớp trung cấp lý luận chính trị không tập trung khóa học 2024-2025.
Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị thành lập xã Đại Hùng (TP Sầm Sơn) trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quảng Đại và Quảng Hùng. Sau khi thành lập, xã Đại Hùng có diện tích tự nhiên là 6,05km2, quy mô dân số là 14.295 người và chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và kiên quyết không để gián đoạn công việc, không bỏ trống lĩnh vực, xã Đại Hùng đã đưa bộ máy đi vào hoạt động với nhiều nội dung được tập trung, như rà soát, hệ thống lại chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở 2 xã cũ; xác định rõ những việc chưa hoàn thành để triển khai, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã mới. Cùng với đó, duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị ở xã, không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức và cán bộ cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng...
Bí thư Đảng ủy xã Đại Hùng Nguyễn Thị Thanh cho biết: Ngay sau sáp nhập, cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như giải quyết các công việc liên quan đến người dân, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính không để chậm trễ. Cùng với đó là kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, bổ sung quy chế, phân công nhiệm vụ cho từng tập thể và từng cá nhân để chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương. Từ sự nỗ lực bắt nhịp, không làm gián đoạn các công việc đã khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền rất có hiệu quả sau sáp nhập, từ đó tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, sau sáp nhập, mỗi cán bộ, công chức ở địa phương có cơ hội học tập, rèn luyện để hoàn thiện và phát huy tối đa năng lực, sở trường của mình trên lĩnh vực công tác, và ngược lại, nếu cán bộ, công chức xã không tự trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, đồng nghĩa sẽ tự “đào thải” ra khỏi bộ máy.
Nghị quyết số 1238/NQ-BTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 82,87km2, quy mô dân số 101.272 người của huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Sau sáp nhập, TP Thanh Hóa có diện tích tự nhiên là 228,22km2, quy mô dân số là 615.106 người; có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường, 14 xã và chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025.
Để cán bộ, công chức thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa đặt mục tiêu đối với cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, trưởng, phó các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy 100% có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 100% có chứng chỉ chuyên viên chính, chứng chỉ tin học, 30% có trình độ tiếng Anh trình độ B1 khung châu Âu, 10% có bằng đại học chuyên ngành ngoại ngữ, có thể giao tiếp, làm việc trong môi trường quốc tế... Đối với cán bộ chủ chốt phường, xã 100% được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý đô thị, kinh tế, hành chính công, đất đai, văn hóa...
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Phạm Thị Việt Nga cho biết: Từ thực tiễn cho thấy, sau 3 tháng sáp nhập, đội ngũ cán bộ, công chức ở TP Thanh Hóa đều được tiếp cận, sâu sát với đời sống Nhân dân; nắm vững tình hình địa phương, cơ sở, từng bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò tổ chức và vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Thời gian qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; thông qua công tác đào tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có khát vọng, không ngừng phát huy phẩm chất, năng lực, sở trường để cống hiến cho sự nghiệp chung của tỉnh. Theo số liệu thống kê, năm 2024 Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cử cán bộ đi ĐTBD được 44.476 lượt, trong đó đào tạo chuyên môn cho 1.981 lượt (cấp xã 621 lượt); đào tạo lý luận chính trị cho 1.557 lượt (cấp xã 598 lượt); bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, nghiệp vụ đoàn thể chính trị, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, ngoại ngữ, tin học, cập nhật kiến thức mới, quốc phòng - an ninh cho 42.495 lượt (trong đó cấp xã 22.888 lượt)...
Nhằm tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, ngày 6/2/2025 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức năm 2025, nhất là cán bộ cấp xã, với mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Bài và ảnh: Xuân Minh