Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu. Ảnh: M.T
Sáng 13-1, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Sở Công Thương thành phố về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Bên cạnh đó, sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau, củ, quả...
Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
Về hoạt động phân phối hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi nắm bắt thị trường, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm… Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cam kết đủ hàng hóa, giá cả phải chăng phục vụ người dân ăn Tết. Ảnh: M.T
Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết; riêng một số hệ thống cửa hàng như: Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.
Để kiểm soát giá cả các mặt hàng, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cam kết, các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước và sau Tết.
Bên cạnh đó, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.
Minh Tuấn