Toàn cảnh bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh minh họa
PV: Xin bà cho biết, TP. Hồ Chí Minh có những lợi thế cạnh tranh nào nổi bật nhất để thu hút đầu tư tài chính toàn cầu, và làm thế nào để tận dụng như các trung tâm của Singapore hay Hồng Kông?
ThS. Nguyễn Trúc Vân: Theo Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI) 2025, TP. Hồ Chí Minh vươn lên hạng 98, tăng 7 bậc, cho thấy tiềm năng lớn trong cuộc đua thu hút vốn tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, so với Singapore - trung tâm tài chính hạng 4 thế giới - TP. Hồ Chí Minh vẫn cần thu hẹp khoảng cách, đồng thời tận dụng lợi thế riêng để tạo dấu ấn.
TP. Hồ Chí Minh, dù đang tiến bộ, vẫn cần cải thiện minh bạch pháp lý, nâng cấp hạ tầng giao thông, công nghệ và nâng cao chất lượng sống, y tế, giáo dục để cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh cũng sở hữu những thế mạnh mà khó đô thị nào sánh kịp. Là cửa ngõ của thị trường nội địa 100 triệu dân, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố hưởng lợi từ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, nguồn lực trẻ và năng động. Chi phí vận hành thấp, tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng làn sóng khởi nghiệp và công nghệ bùng nổ biến TP. Hồ Chí Minh thành điểm sáng đổi mới. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ qua các cải cách mạnh mẽ, ưu đãi đầu tư và phát triển hạ tầng như metro hay cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thành phố đang tạo đà bứt phá.
PV: Đâu là thách thức lớn nhất về thể chế pháp lý và hạ tầng mà TP. Hồ Chí Minh cần vượt qua để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thưa bà?
ThS. Nguyễn Trúc Vân: Là đầu tàu kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều rào cản để vươn tầm trung tâm tài chính toàn cầu.
Về hạ tầng, thành phố chịu áp lực từ ngập lụt, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Dù hạ tầng công nghệ thông tin có tiến bộ, nhưng vẫn kém xa các trung tâm như Singapore, Hồng Kông hay Dubai, hạn chế khả năng hỗ trợ các dịch vụ tài chính hiện đại.
Về thể chế pháp lý vẫn chưa đủ linh hoạt, tạo thu hút đầu tư quốc tế. Nguồn nhân lực và vốn đầu tư chưa đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế.
Sẽ ghi dấu ấn độc đáo trên bản đồ tài chính thế giới
Với thị trường sôi động và vị trí chiến lược, thành phố có cơ hội định vị mình là trung tâm tài chính hàng đầu Đông Nam Á lục địa. Bằng cách thu hút các công ty fintech, quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức các sự kiện quốc tế tầm cỡ, TP. Hồ Chí Minh không chỉ quảng bá thương hiệu tài chính năng động, chi phí cạnh tranh, mà còn khắc sâu dấu ấn độc đáo trên bản đồ tài chính thế giới.
Để thăng hạng trên chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh cần một cuộc cách mạng mạnh mẽ: Phải tinh gọn quy định, xây dựng khung tài chính đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đầu tư quyết liệt vào hạ tầng giao thông hiện đại như hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số và đẩy mạnh chuyển đổi số. Song song đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực tiên phong như fintech và thị trường giao dịch hàng hóa là chìa khóa để tạo sức bật. Việc phát triển khu tài chính thông minh ứng dụng blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là điểm nhấn, biến TP. Hồ Chí Minh thành ngọn cờ đầu đổi mới.
PV: Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của Thủ Thiêm như một khu tự do tài chính và cần những chính sách cụ thể nào để cạnh tranh với các mô hình quốc tế?
ThS. Nguyễn Trúc Vân: Thủ Thiêm mang trong mình tiềm năng rực rỡ để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, nơi hội tụ khát vọng đưa Việt Nam vươn tầm toàn cầu. Nhưng để hiện thực hóa giấc mơ này, cần định hướng phát triển Thủ Thiêm như một “không gian mềm” năng động, lấy thị trường tiền tệ - ngân hàng, thị trường vốn và hàng hóa phái sinh làm cốt lõi, kết hợp hài hòa với các định chế tài chính và hệ sinh thái dịch vụ phụ trợ. Đây sẽ là thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới.
Để cạnh tranh với các trung tâm tài chính quốc tế, Thủ Thiêm cần những chính sách đột phá, gắn kết chặt chẽ giữa tầm nhìn chiến lược và hành động cụ thể, như: Xây dựng nền tảng tài chính hiện đại; thu hút đầu tư chiến lược; tập trung cụm ngành đổi mới sáng tạo. Quy tụ các nhà đầu tư trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, fintech, dữ liệu lớn, nghiên cứu phát triển (R&D) và khởi nghiệp, hình thành cụm ngành tài chính (industrial cluster). Sự tương hỗ giữa các dịch vụ tài chính và phụ trợ chất lượng cao sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng, nâng tầm Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính toàn diện.
PV: Vậy làm thế nào để TP. Hồ Chí Minh xây dựng nguồn nhân lực và hệ sinh thái fintech đủ mạnh để dẫn dắt dòng vốn đầu tư toàn cầu trong thập kỷ tới?
ThS. Nguyễn Trúc Vân: TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội vàng để dẫn đầu dòng vốn toàn cầu qua fintech. Để đạt được điều này, thành phố cần ba chiến lược cốt lõi:
Thứ nhất, nâng cao kỹ năng đội ngũ fintech bản địa. Đào tạo chuyên sâu, trang bị tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng cho lao động hiện có, tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái tài chính số.
Thứ hai, thu hút nhân tài quốc tế. Xây dựng chính sách hấp dẫn để lôi kéo chuyên gia fintech toàn cầu và trí thức Việt kiều, mang lại ý tưởng đột phá và tầm nhìn quốc tế.
Thứ ba, khơi dậy khởi nghiệp trẻ. Hỗ trợ sinh viên qua vốn mồi, không gian sáng tạo và kết nối đầu tư, biến ý tưởng táo bạo thành doanh nghiệp fintech dẫn đầu.
Với những bước đi quyết liệt, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hệ sinh thái fintech mạnh mẽ, trở thành điểm đến của dòng vốn toàn cầu.
PV: Xin cảm ơn bà!
Bệ phóng để thương hiệu “Sài Gòn fintech” vang xa
Để TP. Hồ Chí Minh nên tạo dấu ấn riêng, không chỉ là trung tâm tài chính quốc tế, mà còn là biểu tượng của sự đổi mới mang bản sắc Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm. Theo bà Nguyễn Trúc Vân, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trái tim kinh tế của Việt Nam, mà còn là ngọn lửa khát vọng, sẵn sàng vươn mình thành trung tâm tài chính quốc tế, mang đậm bản sắc Việt Nam.
Theo báo cáo của Global Fintech Hub, thành phố đã ghi danh trong nhóm các trung tâm fintech mới nổi của châu Á. Để tạo dấu ấn riêng, TP. Hồ Chí Minh cần thắp sáng tinh thần đổi mới, hòa quyện giữa bản sắc dân tộc và tầm nhìn toàn cầu.
Theo đó, thành phố phải xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp fintech sôi động, nơi những ý tưởng táo bạo được ươm mầm và tỏa sáng. Đây sẽ là lò luyện của những giấc mơ, nơi các nhà sáng tạo trẻ Việt Nam kết hợp công nghệ tiên phong với giá trị văn hóa bản địa, tạo nên những sản phẩm tài chính số độc đáo, mang dấu ấn “Made in Vietnam”.
TP. Hồ Chí Minh cũng cần một chiến lược thương hiệu mạnh mẽ, khẳng định vị thế trung tâm fintech toàn cầu. Một lộ trình truyền thông bài bản, phối hợp chặt chẽ, sẽ lan tỏa hình ảnh thành phố như một điểm đến của sự đổi mới và cơ hội. Các hội nghị, sự kiện fintech tầm cỡ quốc tế cần được tổ chức thường xuyên, biến TP. Hồ Chí Minh thành điểm hẹn của cộng đồng fintech thế giới. Những sự kiện này không chỉ là nơi giao thoa ý tưởng, mà còn là bệ phóng để thương hiệu “Sài Gòn fintech” vang xa, thu hút đầu tư và nhân tài.
Nguyễn Lạc