Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đi vào vận hành, giải quyết được phần nào tắc nghẽn giao thông cửa ngõ phía Đông. (Nguồn: Báo Thanh niên)
Sau khi Bắc Nam sum họp một nhà, ngày 2/7/1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức được đổi tên là TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển, xứng đáng với vinh dự là thành phố mang tên Bác, Thành phố Anh hùng.
Tạo đột phá và đổi mới
Trong 10 năm đầu sau giải phóng (1975-1985), Thành phố mang tên Bác bắt đầu bước vào hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Tại Hội thảo khoa học “TP. Hồ Chí Minh - Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển” diễn ra gần đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị nhận định, thời điểm đó, Thành phố phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách: Hậu quả của chiến tranh để lại, các thế lực trong và ngoài nước thường xuyên chống phá, tình hình thế giới có nhiều biến động… Các hạn chế trong kinh nghiệm quản lý kinh tế, xã hội, đô thị… đã gây trở ngại cho quá trình xây dựng, phát triển Thành phố giai đoạn sau giải phóng.
Năm 1982, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 01-NQ/TW - nghị quyết đầu tiên đặt nền móng cho quá trình phát triển của Thành phố trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới. Nghị quyết đề cập nhiều khía cạnh quan trọng như phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa và các vấn đề xã hội.
Nhờ đó, theo PGS.TS. Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, từ năm 1986, Thành phố được coi là cái nôi khởi xướng cho giai đoạn Đổi mới của đất nước. Giai đoạn này ghi nhận kỳ tích kinh tế của Thành phố. Cụ thể, nếu 10 năm sau giải phóng, thống nhất đất nước (1975-1985), Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố chỉ tăng 2,7%/năm, thì giai đoạn 10 năm đầu Đổi mới (1986-1996) đã tăng bình quân 10,5%/năm. Thành phố là một trong số ít đô thị của các nước trong khu vực vào thời điểm đó duy trì được tăng trưởng hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài.
Tiếp đó, năm 2002, 2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành các Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đây là quyết sách đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp tình hình phát triển, giúp Thành phố vừa phát huy tốt hơn các thế mạnh truyền thống của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, thu hút nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, cùng cả nước.
Từ một thành phố chủ yếu dựa vào thương mại nhỏ và công nghiệp nhẹ, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp chiếm hơn 97%, với các ngành mũi nhọn, gồm tài chính - ngân hàng, logistics, công nghệ thông tin, sản xuất công nghệ cao, bất động sản và du lịch.
Năm 2024, GDRP của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 7,17%. Tính đến hết năm ngoái, Thành phố có hơn 230 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 28% số doanh nghiệp cả nước và đóng góp 25% ngân sách quốc gia. Quy mô nền kinh tế đạt 1,78 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 17% cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.000 USD/năm, gấp gần 35 lần so với thời kỳ đầu thống nhất. Thành phố cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung, Aeon, Keppel Land, Lotte, Visa...
“50 năm qua, bằng tất cả ý chí và quyết tâm, TP. Hồ Chí Minh tạo ra nhiều đột phá và đổi mới, là nơi khởi nguồn của nhiều chính sách, nhiều cơ chế kinh tế mới của đất nước”. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được
Trên hành trình 50 năm phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã có những công trình, dự án mang tính biểu tượng làm thay đổi diện mạo địa phương như: Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng; dự án Đại lộ Đông Tây (Đại lộ Võ Văn Kiệt); dự án Đại lộ Nguyễn Văn Linh; dự án Đại lộ Phạm Văn Đồng; dự án đường hầm Thủ Thiêm; dự án cầu Sài Gòn 2; dự án đại lộ Mai Chí Thọ; dự án cầu Phú Mỹ; dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); dự án mở rộng nút giao An Phú; dự án khu đô thị bán đảo Thủ Thiêm; dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Sự đoàn kết, đồng lòng trong Đảng, trong dân là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công của địa phương. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhận định, 50 năm qua, bằng tất cả ý chí và quyết tâm, Thành phố tạo ra nhiều đột phá và đổi mới, là nơi khởi nguồn của nhiều chính sách, nhiều cơ chế kinh tế mới của đất nước. Minh chứng rõ nhất là năm 2005, TP. Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý nhất: Thành phố Anh hùng.
Thêm không gian, dư địa phát triển
Về tầm nhìn dài hạn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong giai đoạn tới, Thành phố phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng hai con số, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là động lực để triển khai mọi mục tiêu, mọi nhiệm vụ công tác khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trên cơ sở lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Ảnh chụp từ trên cao của một cảng cá tại Sài Gòn năm 1976. (Nguồn: AFP)
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế số, xã hội số có vị thế vượt trội trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Đến năm 2045, Thành phố phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng sống cao.
Để làm được điều đó, theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được, Thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, sự đoàn kết, đồng lòng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố; coi đây là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công và sự phát triển bền vững.
“Hiện tại, Thành phố đang có những điểm tựa mới, những nhân tố mới để lạc quan, tin tưởng cho phát triển trong giai đoạn mới. Đó là đầu tư xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế hay Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu gồm: Trung tâm đổi mới sáng tạo, startup, trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, dữ liệu lớn…”, ông Nguyễn Văn Được bật mí.
Bên cạnh đó, Thành phố quy hoạch hệ thống metro đồng bộ và đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào vận hành, giải quyết phần nào tắc nghẽn giao thông cửa ngõ phía Đông hay đầu tư cảng trung chuyển Cần Giờ, các hệ thống logistics khác…
Đặc biệt, theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được Trung ương thống nhất, hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh. Việc mở rộng địa giới hành chính của TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp tăng kết nối vùng, đặc biệt với khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy hạ tầng giao thông - logistics và mở rộng quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp - dịch vụ cảng biển, năng lượng, xây dựng... Điều này sẽ tạo không gian, dư địa phát triển mới, đưa TP. Hồ Chí Minh bứt phá.
Thành phố mang tên Bác đang tràn đầy khát vọng vươn lên. Trong hành trình thực hiện khát vọng ấy, truyền thống cách mạng đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, nghĩa tình được vun đắp trong 50 năm qua chính là động lực để Thành phố giữ vững vai trò đầu tàu dẫn dắt kinh tế, cùng cả nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình.
Linh Chi