Trụ sở HĐND - UBND TPHCM.
Từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành riêng 4 nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TPHCM gồm: Nghị quyết 01-NQ/TW (năm 1982), Nghị quyết 20-NQ/TW (năm 2002), Nghị quyết 16-NQ/TW (năm 2012), và Nghị quyết 31-NQ/TW (năm 2022).
Từ những định hướng chiến lược hết sức quan trọng này, sau 50 năm thống nhất đất nước, diện mạo TPHCM đã vươn mình trở thành một đô thị năng động, sáng tạo.
50 năm không ngừng phấn đấu
Nhìn lại lịch sử, ở giai đoạn đầu từ sau Giải phóng đến năm 1985, TPHCM cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn sau khi trải qua 30 năm chiến tranh, đồng thời phải đối phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới, đã vậy nền kinh tế lại đang vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Trong bối cảnh đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP chỉ đạt trung bình 2,7%/năm.
Năm 1986, công cuộc Đổi mới diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, bắt đầu bằng việc xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần thay cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (năm 2001), đã làm cho diện mạo kinh tế TPHCM thay đổi sâu sắc.
Và 4 Nghị quyết chuyên đề riêng được Bộ Chính trị ban hành về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TPHCM, đã tạo tiền đề và động lực quan trọng cho TPHCM phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết 01 và Nghị quyết 20 xác định TPHCM “từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, “đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước”.
Đến Nghị quyết 16 TPHCM được nâng tầm là “đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, là “đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, “từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.
Nghị quyết 31 đã giúp cho vị thế của TPHCM càng trở nên quan trọng hơn, khi vừa “giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước”, vừa “sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.
Kết quả từ năm 1986-1990, GRDP của TP tăng trưởng bình quân 7,82%/năm (tính theo giá so sánh 1994); giai đoạn năm 1991-1995, GRDP đạt trung bình 12,62%/năm, và cũng là giai đoạn đánh dấu thời kỳ TPHCM trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Giai đoạn năm 1996-2010, TPHCM đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục bứt tốc tăng trưởng về kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. GRDP đạt tốc độ bình quân 2 con số: từ 1996-2000 tăng hơn 10,1%; từ 2001-2005 tăng 11%, và 2006-2010 tăng gần 11,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 700USD (năm 1996) lên xấp xỉ 5.000USD/người/năm (năm 2010).
Giai đoạn 2011-2020, TPHCM phát triển kinh tế theo chiều sâu, GRDP đạt bình quân 6,86%/năm, vượt mức tăng trưởng 5,96% của cả nước và mức tăng trưởng 6,31% của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quy mô GRDP của TP năm 2020 (theo giá năm 2010) chiếm 25,79% của cả nước, và chiếm 51,11% Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM tiếp tục phát huy vai trò động lực trong thu hút nguồn vốn FDI, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của cả nước.
Giai đoạn 2021 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế TPHCM cũng bị ảnh hưởng. Trong 5 năm gần đây, TPHCM ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất là 9,03% vào 2022, nhưng đó là do mức nền so sánh thấp khi kinh tế TP năm 2021 suy giảm âm 6,78% vì Covid-19.
Ngay cả năm 2024, tăng trưởng kinh tế năm 2024 cao hơn năm 2023 (7,17% so với 5,83%), nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (7,5-8%), và quan trọng hơn là chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của TP. Khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế của TPHCM và tăng trưởng kinh tế của cả nước đã thu hẹp lại, từ mức gấp rưỡi ở nhiều năm trước về còn 0,08% vào năm 2024.
Chuyển mình hội nhập và phát triển
TPHCM cũng liên tục đổi mới để hội nhập, và hiện thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đứng thứ 111/1.000 TP có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động trên thế giới. Khi Việt Nam chính thức kết nối Internet vào năm 1997, TPHCM tiên phong đi theo xu thế đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa quản trị đô thị.
Năm 2002, UBND TP đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT tại TPHCM giai đoạn 2002-2005, ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực then chốt nhằm tăng năng suất, hiệu quả quản lý và sức cạnh tranh, khơi nguồn cho các mô hình quản trị đô thị hiện đại.
Từ năm 2017-2020, TP triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, tầm nhìn đến năm 2025, định hướng tổng thể về khai thác dữ liệu lớn, kết nối các trung tâm điều hành, nâng cao năng lực quản lý đô thị trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Từ năm 2020, TPHCM tiếp tục bước vào giai đoạn tăng tốc với Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2020-2030, song song với việc thực hiện Chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số hàng đầu khu vực, lấy công nghệ làm nền tảng phát triển kinh tế số và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Năm 2024, TPHCM trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình Chuyển đổi số cấp TP; đồng thời được xếp thứ hai toàn quốc về mức độ chuyển đổi số, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt về tư duy và hành động trong kỷ nguyên số. Đến năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng tỷ trọng kinh tế số lên 25% GRDP, thể hiện quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Đặc biệt tại Nghị quyết 24 và 31 của Bộ Chính trị, đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cho TP và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có quy định phải có cơ chế chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại TPHCM.
Kỳ vọng TTTC quốc tế TPHCM
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, việc xây dựng TTTC không chỉ giúp thu hút dòng vốn lớn, mà còn đóng vai trò động lực chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Theo đó có 4 lợi thế chiến lược quan trọng.
Thứ nhất, TPHCM có nền kinh tế năng động và hội nhập sâu rộng. Hiện nay TP đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia, và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây cũng là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước.
Thứ hai, các thiết chế tài chính hiện đại tại TPHCM đã được hình thành và vận hành bài bản, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, trung tâm thanh toán, hạ tầng số và các ứng dụng fintech. Việt Nam cũng đã nghiên cứu áp dụng cơ chế sandbox, thí điểm các giải pháp fintech và chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tiếp cận các dự án công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, TPHCM có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với kết nối chặt chẽ tới các TTTC lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải… Hệ thống cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn cũng là lợi thế để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện.
Thứ tư, quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, là nền tảng quan trọng để đưa TPHCM trở thành TTTC quốc tế. TP đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển hạ tầng số theo chuẩn mực quốc tế.
Dĩ nhiên bên cạnh những thành tựu và thuận lợi đã đạt được, TPHCM vẫn còn một số thách thức, và vấn đề phải giải quyết khi đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% so với năm 2024, cao hơn chỉ tiêu được Chính phủ giao cho địa phương là 8,5%. Chẳng hạn như thu hút vốn FDI năm 2024 có dấu hiệu giảm, giải ngân đầu tư công vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng chậm… Đó là bài toán đặt ra cho TPHCM trong giai đoạn tới.
Ông NGUYỄN ĐỨC CHI, Thứ trưởng Bộ Tài chính:
Việc TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sáp nhập sẽ tạo không gian phát triển mới, tạo nên một trung tâm kinh tế lớn mạnh. Các khu công nghiệp ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được kết nối thuận lợi hơn với TPHCM, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, sản xuất, logistics, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu và đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của khu vực.
Với sự kết hợp của các lợi thế như: hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn và môi trường kinh doanh thuận lợi, TPHCM sau sáp nhập sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, công nghệ cao và du lịch.
ĐỖ LINH