TP Huế tổng kết thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023–2025

TP Huế tổng kết thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023–2025
8 giờ trướcBài gốc
Huy động hiệu quả nguồn lực tài chính từ cơ chế ERPA
Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, TP Huế là một trong 6 địa phương của vùng Bắc Trung Bộ được lựa chọn triển khai thí điểm cơ chế ERPA. Sau 3 năm thực hiện, chương trình đã phát huy hiệu quả, tạo động lực mới cho quản lý, bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tổng diện tích rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải trên địa bàn lên tới hơn 205.500 ha. Trong giai đoạn 2023–2025, TP Huế được Bộ Nông nghiệp và Môi trường điều phối tổng kinh phí hơn 135,97 tỷ đồng để triển khai chương trình.
Riêng năm 2024, thành phố đã giải ngân 42,96/43,78 tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch. Trong đó, gần 99,4% được chi trả cho hơn 600 chủ rừng là cộng đồng, hộ gia đình, UBND cấp xã và các tổ chức. Đặc biệt, toàn bộ các khoản chi trả đều được thực hiện qua phương thức không dùng tiền mặt – thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử ViettelPay hoặc dịch vụ bưu chính công ích – đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Tính đến tháng 7/2025, thành phố đã thực hiện chi trả khoảng 49,85/54,87 tỷ đồng kế hoạch năm 2025, đạt tỷ lệ 95%.
Gắn trách nhiệm quản lý rừng với quyền lợi cộng đồng
Bên cạnh đó, việc thực hiện các thỏa thuận quản lý rừng giữa các chủ rừng là tổ chức với cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp gần rừng đang phát huy hiệu quả rõ nét. Đến nay, 5 đơn vị chủ rừng đã ký kết 105 thỏa thuận với 97 cộng đồng/thôn/bản, nhận khoán bảo vệ hơn 21.600 ha rừng. Các cộng đồng tham gia được hỗ trợ 50 triệu đồng/năm để triển khai các mô hình sinh kế phù hợp thực tiễn như: xây hàng rào, lắp hệ thống điện mặt trời, nước sạch, cải tạo nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp cây – con giống…
Bên cạnh đó, các biện pháp lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng rừng cũng được triển khai với tổng kinh phí hơn 42,9 tỷ đồng. Ước thực hiện đến cuối năm 2025 đạt khoảng 14,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tất Tùng - giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng TP Huế báo cáo tổng kết tổng kết giai đoạn thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023-2025.
Cơ chế chi trả ERPA đã góp phần tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Số vụ và diện tích rừng bị xâm hại giảm mạnh. Năm 2024 ghi nhận 25 vụ vi phạm lâm luật với tổng diện tích rừng bị phá là 2,68 ha – thấp nhất trong giai đoạn 2021–2024 và giảm gần 60% so với năm 2023. Không có vụ vi phạm nào xảy ra tại rừng đặc dụng.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình được thực hiện nghiêm túc. Các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Kiểm lâm, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp đánh giá giữa kỳ về tiến độ, hiệu quả tài chính và mức độ tuân thủ các tiêu chí an toàn môi trường – xã hội. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố cũng đã xây dựng và áp dụng quy trình tiếp nhận, xử lý khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Củng cố mô hình phát triển xanh, bền vững
Thực tiễn triển khai tại Huế cho thấy cơ chế chi trả ERPA không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn là đòn bẩy để phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm rừng – nơi có hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cộng đồng đã chủ động mở rộng trồng dược liệu dưới tán rừng, khai thác lâm sản phụ, cải thiện thu nhập nhờ gắn kết giữa bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên rừng.
Chương trình cũng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, chủ rừng, cộng đồng dân cư và các tổ chức hỗ trợ, cho thấy rõ vai trò của việc “trao quyền đi đôi với trách nhiệm” trong bảo vệ tài nguyên rừng.
Sau 03 năm triển khai, TP Huế đã khẳng định tính khả thi và hiệu quả của cơ chế chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển sinh kế cộng đồng. Những kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo sát sao, sự đồng thuận xã hội cao và tinh thần chủ động vượt khó của toàn hệ thống chính trị.
Chương trình thí điểm ERPA tại Huế đang tạo nền tảng vững chắc để mở rộng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Quỳnh Nga
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tp-hue-tong-ket-thi-diem-chi-tra-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-giai-doan-2023-2025.html