TP Thủ Đức sẽ là đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế TPHCM

TP Thủ Đức sẽ là đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế TPHCM
một giờ trướcBài gốc
Đô thị văn minh, bền vững
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, cho biết đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 được Thủ tướng phê duyệt là nền tảng quan trọng để Thủ Đức phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hiện đại.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM tại sự kiện. Ảnh Hoàng Hùng
Theo quy hoạch, TP Thủ Đức sẽ phát triển địa phương trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế TPHCM, vùng đô thị TPHCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
Quy hoạch cũng phát huy vai trò là đầu mối giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa với cả nước và quốc tế. TP Thủ Đức cũng sẽ tạo dựng cảnh quan đô thị hiện đại và sinh thái; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, đặc trưng đô thị sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự kiến vào năm 2030 dân số khoảng 1,8 triệu dân; đến năm 2040 TP Thủ Đức có quy mô dân số từ 2,2-2,6 triệu người, được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, trên cơ sở hình thành, phát triển các khu vực trọng điểm về tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghệ cao.
Không gian của TP Thủ Đức được phát triển theo 9 phân vùng, gắn với tổ chức hệ thống giao thông đô thị và liên vùng đa phương thức, giao thông công cộng; phát triển đô thị tập trung hướng theo giao thông công cộng, trong đó, các ga trung chuyển quy mô lớn sẽ hình thành lõi của các trọng điểm phát triển.
Các phân vùng cũng gắn với tổ chức các khu vực đa chức năng nhằm tăng cường tương tác trong các hoạt động kinh tế - xã hội và hợp tác phát triển, với hạt nhân là các trung tâm đổi mới, sáng tạo để hình thành các trung tâm kinh tế tri thức; đồng thời phát triển theo xu hướng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối tại TP Thủ Đức với phần còn lại của TPHCM và Sân bay quốc tế Long Thành.
Điểm nhấn của không gian đô thị tại TP Thủ Đức được quy hoạch lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm, tổ chức hệ thống sông, kênh, rạch (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, rạch Chiếc, rạch Trau Trảu, rạch Gò Công, rạch Ông Nhiêu…) gắn kết với hệ thống công viên cây xanh sử dụng công cộng, hình thành nên khung cấu trúc không gian đặc sắc, đồng thời có vai trò là các hành lang trữ và thoát nước.
TP Thủ Đức sẽ phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị trên cơ sở khuyến khích chuyển đổi, tái thiết, hoàn thiện các khu vực phát triển hiện có, nâng tầng cao xây dựng, nâng cao hệ số sử dụng đất; bổ sung không gian mở và không gian cây xanh công cộng.
Với quy hoạch chung lần này, giao thông đối nội của TP Thủ Đức được bổ sung và hoàn thiện, đặc biệt là các tuyến đường đô thị theo hướng Đông - Tây cũng như một số đường trên cao và đường vận tải chuyên dụng. Điều này nhằm phân tách giao thông đô thị với giao thông liên vùng, giao thông phục vụ cảng và KCN.
Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng chào đón các đại biểu
Là một trung tâm sáng tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao, TP Thủ Đức sẽ tăng diện tích đất cho các nhóm công trình: giáo dục cấp đô thị (lên gần 5 lần); cơ sở y tế cấp đô thị (lên hơn 10 lần); văn hóa và thể dục thể thao cấp đô thị (lên khoảng 3 lần), gồm khu Liên hợp thể thao quốc gia tại khu vực Rạch Chiếc.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, TP Thủ Đức công bố, kêu gọi đầu tư 535 dự án với tổng mức đầu tư 800.000 tỷ đồng.
Quy hoạch 9 không gian phát triển
Theo Đồ án quy hoạch, TP Thủ Đức chia thành 9 phân vùng phát triển gồm:
Phân vùng số 1 thuộc các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú; được giới hạn bởi các tuyến đường Mai Chí Thọ và sông Sài Gòn, Rạch Chiếc. Đây là trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa của TPHCM, khu vực và có vị thế quốc tế; khu đô thị hỗn hợp gắn với cảnh quan sinh thái ngập nước ven sông Sài Gòn; có vai trò không gian kết nối TP Thủ Đức với khu trung tâm hiện hữu TPHCM.
Đường Mai Chí Thọ (Thủ Đức)
Phân vùng số 2 thuộc các phường Hiệp Bình Chánh và một phần các phường Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Vành đai 2, quốc lộ 1 và sông Sài Gòn. Đây là khu trung tâm mới của TP, gắn với trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại; có vai trò cửa ngõ của TP Thủ Đức gắn với bến thủy du lịch tại Trường Thọ và đầu mối quản lý, điều tiết thoát nước mưa.
Phân vùng số 3 thuộc các phường Linh Tây, Linh Chiểu, Bình Thọ, Linh Trung, Bình Chiểu, Linh Xuân và một phần các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2, quốc lộ 1 và ranh giới hành chính giữa tỉnh Bình Dương và TPHCM. Đây là khu đô thị đô thị hiện hữu gắn với đào tạo và trung tâm sản xuất, dịch vụ trung chuyển.
Phân vùng số 4 bao gồm phường Long Bình và một phần các phường Tân Phú, Long Thạnh Mỹ; được giới hạn bởi ranh giới với tỉnh Bình Dương, quốc lộ 1, đường nối đường Vành đai 3 với Xa lộ Hà Nội, sông Tắc và sông Đồng Nai. Đây là trung tâm văn hóa gắn với vui chơi giải trí của TPHCM; trung tâm công nghiệp cảng và dịch vụ hậu cần cảng gắn với sông Đồng Nai; có vai trò khu vực cửa ngõ phía Đông của TPHCM, kết nối với các khu vực đô thị, công nghiệp tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Phân vùng số 5 thuộc phường Long Phước và một phần các phường Trường Thạnh, Long Trường; được giới hạn bởi các đường Vành đai 3, đường nối Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, sông Tắc, sông Đồng Nai, rạch Ông Nhiêu. Phân khu có tính chất là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao gắn với nghiên cứu, đào tạo; có vai trò là khu vực cửa ngõ kết nối TPHCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phân vùng số 6 thuộc một phần các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, Bình Trưng Đông, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Chí Công, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, rạch Ông Nhiêu và sông Đồng Nai. Đây là trung tâm dịch vụ cảng, công nghiệp và logistics của TPHCM và các khu đô thị lân cận.
Phân vùng số 7 thuộc phường Bình Trưng Tây và một phần các phường An Khánh, An Phú, Phú Hữu, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Chí Công, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Mai Chí Thọ và sông Sài Gòn. Đây là trung tâm TP Thủ Đức hiện hữu; không gian kết nối các khu vực động lực của thành phố gồm cảng và trung tâm tài chính Thủ Thiêm.
Ảnh Hoàng Hùng
Phân vùng số 8 thuộc các phường Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình và một phần các phường An Phú, Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 2. Đây là trung tâm thể dục thể thao của TPHCM, có vai trò là khu liên hợp thể dục thể thao cấp quốc gia; trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí của TP Thủ Đức; khu đô thị phát triển mới đan xen với các khu hiện hữu.
Phân vùng số 9 thuộc các phường Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và một phần các phường Phước Long B, Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Long Trường, Phú Hữu; được giới hạn bởi các tuyến Vành đai 2, Xa lộ Hà Nội, đường nối Vành đai 3, Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là trung tâm sản xuất công nghệ cao và các khu đô thị phụ cận
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho biết đây là cơ hội để TP Thủ Đức phát triển các cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội để TP Thủ Đức phát triển mạnh mẽ, là cực tăng rưởng mới của TPHCM, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình.
Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị TP Thủ Đức cần tổ chức công bố, rộng rãi đến từng địa phương, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. TP Thủ Đức phối hợp với các sở ngành tổ chức triển khai theo kế hoạch được duyệt, làm việc với các địa phương để triển khai 9 phân vùng, kêu gọi đầu tư.
Trà Giang
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/tp-thu-duc-se-la-do-thi-sang-tao-dan-dat-kinh-te-tphcm-post120331.html