Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo TP Thủ Đức, các Sở, ngành liên quan…
TP Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển gắn với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng lợi thế riêng. Ảnh minh họa
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh và UBND TP Thủ Đức phối hợp với các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh và bộ, ngành của Trung ương để khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, các dự án đầu tư, đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong quy hoạch.
Đồng thời, TP Thủ Đức sớm xây dựng và ban hành chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc, làm cơ sở để tập trung đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị và cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ việc đầu tư phát triển theo đúng các chỉ tiêu chức năng sử dụng đất quy hoạch, yêu cầu về kiến trúc cảnh quan theo đồ án quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng như quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng nhấn mạnh các yếu tố đầu tư phát triển phải bền vững, chú trọng vấn đề về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả...
Bên cạnh đó, ông Văn cũng cho biết, TP Thủ Đức là mô hình thí điểm thành phố đầu tiên thuộc thành phố Trung ương, với quy mô dân số và thu ngân sách Nhà nước tương đương, thậm chí lớn hơn các tỉnh thành khác trên cả nước. Cùng với đó, mô hình chính quyền đô thị hiện có 2 cấp, tương đương với cấp huyện, vì vậy, việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch là thách thức lớn với chính quyền TP Thủ Đức.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng mong muốn và tin tưởng rằng với sự chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt đồ án quy hoạch chung, hướng đến mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh, đóng góp tích cực cho phát triển của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Cũng tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để cụ thể hóa Quy hoạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được công bố vào đầu năm nay. Đây chính là cơ hội để phát huy tối đa việc triển khai các cơ chế đặc thù của TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Quy hoạch TP Thủ Đức. Ảnh UBND TP Thủ Đức
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, quy hoạch mới mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TP Thủ Đức để khẳng định vị thế đô thị sáng tạo, tương tác cao, là cực tăng trưởng mới của TP. Từ đó góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước, vững vàng, mạnh mẽ cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Mãi cũng đề nghị TP Thủ Đức công bố rộng rãi đồ án đến từng địa phương, từng khu phố, từng hộ dân bằng nhiều hình thức để tuyên truyền trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân về định hướng phát triển TP Thủ Đức.
Đặc biệt lưu ý nội dung tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu, đầy đủ, để thực hiện đúng, từ đó tạo tính đồng thuận cao trong người dân để thực hiện quy hoạch hiệu quả và nhanh nhất.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng phải phối hợp với các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch phương án chi tiết, tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt, triển khai thủ tục, trong đó, tổ chức khảo sát thực hiện hiện trạng thực tế 9 phân vùng và có kế hoạch làm việc với từng địa phương ở các vùng để chỉ đạo kế hoạch phát triển từng giai đoạn.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND TP Thủ Đức khẩn trương hoàn thành quy hoạch các phân khu chậm nhất đến tháng 9.
Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo TP Thủ Đức tăng cường liên kết, hợp tác phát triển với các địa bàn giáp ranh, không chỉ với các quận huyện và các đơn vị bạn của Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm gắn với phát huy thế mạnh, lợi thế của từng địa phương để tạo động lực phát triển chung.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung khai thác có hiệu quả để phục vụ cho mục tiêu phát triển chung của TP Thủ Đức và TP Hồ Chí Minh cũng như cải cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với quy hoạch mới, không gian TP Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển gắn với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng lợi thế riêng nhằm làm cơ sở để TP Thủ Đức giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại TP Thủ Đức theo các lĩnh vực của từng phân vùng.
Trong thời gian tới, ông Mãi cũng yêu cầu TP Thủ Đức tập trung nguồn lực kêu gọi đầu tư, trước mắt hoàn thành khu Thủ Thiêm gắn với trung tâm tài chính quốc tế, khu Trường Thọ phối hợp Đại học Quốc gia để hoàn thiện đầu tư khu đô thị đại học và mở rộng giai đoạn 2 Khu Công nghệ cao trước năm 2030.
TP Hồ Chí Minh cũng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào TP Thủ Đức và TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình làm việc, TP Hồ Chí Minh luôn trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư, để việc triển khai quy hoạch đạt kết quả tốt nhất
Cũng tại Hội nghị, ông Hoàng Tùng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, Hội nghị hôm nay là cột mốc quan trọng của TP Thủ Đức sau 5 năm phát triển, mà còn là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác giữa các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, Hội nghị cũng giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế và mang đến bức tranh đầu tư tổng thể 535 dự án trên địa bàn, với tổng nguồn vốn trên 800.000 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm các dự án đầu tư theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, dự án theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư theo phương thức khác theo Luật đầu tư và các dự án đầu tư theo nguồn vốn đầu tư công.
Cũng tại Hội nghị, UBND TP Thủ Đức cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án phát triển nhà ở với tổng vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng trên địa bàn.
Việt Hùng