Chợ Bến Thành được xếp hạng di tích cấp thành phố vào tháng 11/2024, minh chứng cho giá trị lịch sử đô thị và văn hóa của địa danh. Ảnh: Thùy Linh.
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2025.
Cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu phường Sài Gòn, phường Bình Dương và phường Bà Rịa.
Đầu tư trọng điểm bảo tồn và phát huy di sản
Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã tổ chức các hoạt động bắn pháo hoa, chương trình countdown (đếm ngược) đón chào năm mới 2025; Tết Văn hóa - Nghĩa tình và chuỗi sự kiện Mừng Xuân Ất Tỵ - Mừng Đảng quang vinh; kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc.
Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức với quy mô cấp quốc gia đã có nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, tạo nên không khí trang trọng, thiêng liêng nhưng gần gũi, thiết thực, lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, chương trình trùng tu, tôn tạo di tích được xem là một trong những điểm nhấn đáng chú ý. Với tổng ngân sách lên đến hơn 1000 tỷ đồng, TPHCM đã hoàn thành công tác tu bổ cho 11 di tích, có tổng vốn đầu tư gần 220 tỷ đồng, trong đó hơn 203 tỷ từ ngân sách thành phố, phần còn lại từ nguồn xã hội hóa.
Bên cạnh các công trình đã hoàn thành, TPHCM hiện triển khai tu bổ 10 di tích khác với tổng kinh phí khoảng 922,8 tỷ đồng.
Bắn pháo hoa chào đón năm mới tại TPHCM. Ảnh: Thiện Nhân
Các dự án này bao gồm: đình An Phú, nhà thờ Đức Bà, Tòa án Nhân dân TPHCM, trụ sở UBND TPHCM, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Đền thờ Hùng Vương, hội quán Hà Chương, chùa Sắc Tứ Trường Thọ, chùa An Lạc, đình Tân Túc và di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ.
Đặc biệt, TPHCM cũng đang triển khai dự án tu bổ tại Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Savannakhet (Lào), thể hiện sự quan tâm gìn giữ giá trị lịch sử - ngoại giao, đồng thời góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.
Ngoài ra, TPHCM cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di tích Địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới. Đây là một bước đi quan trọng nhằm đưa giá trị lịch sử của thành phố đến gần hơn với bạn bè quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống.
Phát triển đời sống văn hóa
Không chỉ tập trung tu bổ các công trình vật thể, TPHCM còn chú trọng phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành văn hóa đã tổ chức hơn 800 suất biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng, từ chiếu phim, múa rối, cải lương đến kịch nói, sân khấu học đường. Các chương trình nghệ thuật lưu động cũng đến với nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, góp phần lan tỏa văn hóa và giáo dục nghệ thuật đến nhiều đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, hơn 2,6 triệu lượt khách tham quan các bảo tàng, triển lãm và di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Điều này cho thấy sức hút của các không gian văn hóa truyền thống đang ngày càng được khẳng định, đặc biệt trong bối cảnh ngành giáo dục đang tăng cường các hoạt động ngoại khóa, học tập thực tế cho học sinh.
Người dân tham quan Di tích trại Phú Tường (đặc khu Côn Đảo, TPHCM). Ảnh: Thùy Linh.
TPHCM cũng vinh dự khi Nghệ thuật lân sư rồng của cộng đồng người Hoa được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia. Đây là một dấu mốc cho thấy sự phong phú của bản sắc văn hóa thành phố mang tên Bác, đồng thời mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian.
Để đảm bảo nguồn lực lâu dài cho công tác bảo tồn, TPHCM đang từng bước triển khai mô hình đối tác công – tư (PPP), tăng cường xã hội hóa trong trùng tu di tích. Việc kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội sẽ giúp giảm tải gánh nặng ngân sách, đồng thời thúc đẩy sáng tạo trong việc quản lý, khai thác và giới thiệu di sản đến công chúng.
Với hướng đi bài bản và sự đầu tư mạnh mẽ, TPHCM không chỉ đang gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của tiền nhân, mà còn góp phần hình thành nền tảng giáo dục truyền thống vững chắc cho thế hệ trẻ.
Đối với lĩnh vực thông tin điện tử, Sở đã tiến hành rà soát, kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh đối với 4 trang thông tin điện tử; đồng thời kiểm tra, phát hiện 19 bài viết được đăng tải từ 6 tài khoản mạng xã hội, phối hợp Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử xử lý các tài khoản đăng tải nội dung không phù hợp, gây tác động tiêu cực đến dư luận.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn 8 tên miền quốc tế có dấu hiệu mạo danh và tạm ngừng hoạt động 5 tên miền thuộc tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thùy Linh