Kể từ ngày 1/7/2025, việc sắp xếp 3 tỉnh thành: TPHCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương chính thức có tên gọi thành phố mới là Thành phố Hồ Chí Minh, với diện tích 6.772,59 km2, dân số 14.002.598 người, giáp các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh và Biển Đông.
Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ làm phát sinh nhu cầu bố trí nhà ở công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động, luân chuyển công tác. Qua rà soát, UBND TPHCM nhận thấy Luật Nhà ở năm 2023 (Điều 45) chỉ quy định 06 nhóm đối tượng cụ thể được thuê nhà ở công vụ.
Ảnh minhh họa
Do đó, xét trên cơ sở thực tế, sẽ phát sinh trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của TPHCM (sau khi sáp nhập) được điều động, luân chuyển, biệt phái công tác đến nơi cách xa nơi ở hiện hữu và không có nhà tại địa bàn được điều động tới công tác, nhưng không thuộc nhóm 6 đối tượng được quy định tại Điều 45 Luật Nhà ở năm 2023 để được bố trí nhà ở công vụ.
Trong số đó, là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0.7 hoặc không có phụ cấp chức vụ.
Trước tình hình trên, nhằm thực hiện chính sách nhà ở công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM được điều động, luân chuyển, biệt phái đến nơi công tác khác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở công vụ đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0.7 hoặc không có phụ cấp chức vụ được điều động, luân chuyển công tác từ TPHCM đến Bình Dương hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.
Song song đó, cần quy định bổ sung tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất để làm cơ sở bố trí nhà ở công vụ cho các đối tượng nêu trên.
S.T