TPHCM đặt mục tiêu thu hút hơn 3,7 tỷ USD vào các KCN sau hợp nhất. Ảnh: H.P
Theo đó, các KCX và KCN của TPHCM (cũ) dự kiến thu hút 600 triệu đô la, các KCN Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) là 1,88 tỉ đô la và Bình Dương (cũ) là 1,25 tỉ đô la, TTXVN đưa tin.
Theo ông Lê Văn Thinh, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, trong bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục biến động, xung đột, căng thẳng thương mại kéo dài, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại, các nhà đầu tư có tâm lý chờ quyết định của các nước lớn để hoạch định dự án.
Vì thế, để đạt được mục tiêu đề ra, các KCN thành phố cần xác định rõ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm vừa mang tính kế thừa, vừa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong nước; ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.
Đồng thời các KCN cũng cần thu hút đầu tư có chọn lọc; tập trung vào các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, trong các lĩnh vực sản xuất vi mạch, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo...
Cùng với đó, thủ tục cho các dự án lớn đã được nhà đầu tư đề xuất trên địa bàn và các nhà đầu tư tiềm năng đang trong giai đoạn khảo sát vị trí… cũng cần được theo sát và hỗ trợ.
Theo ông Thinh, thành phố cần tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là kết nối với các doanh nghiệp FDI lớn để tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Đồng thời mối quan hệ với các hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại (Jetro, EuroCham, AmCham...) cũng cần được tăng cường để tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp FDI tiềm năng; dự báo các diễn biến có khả năng gây tác động đến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp ứng phó.
Thu Trà