Phụ huynh giám sát chất lượng suất ăn bán trú
Thực đơn bán trú tuần thứ 3 của tháng 11 (11 đến 15/11/2024) của học sinh Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa (Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) được thiết kế không trùng lặp giữa các ngày trong tuần.
Cụ thể từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần, các suất ăn bán trú trưa của học sinh sẽ gồm các món mặn lần lượt là thịt heo, gà, cá, thịt bò, riêng đối với ngày thứ 6, học sinh sẽ được ăn trưa với nhiều loại món nước khác nhau.
Ngoài món mặn là món chính, trường còn phục vụ học sinh các món xào, canh và tráng miệng thay đổi theo từng ngày khác nhau.
Học sinh Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa trong giờ ăn bán trú trưa (ảnh: V.D)
Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa (Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những trường có sĩ số học sinh đông tại thành phố, với hơn 2.200 học sinh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Duy Bình –Hiệu trưởng nhà trường cho hay, dù sĩ số đông nhưng học sinh nhà trường có nhu cầu ăn suất ăn bán trú và nghỉ trưa tại trường cũng không nhiều, chỉ gần 400 học sinh.
Để đảm bảo duy trì các bữa ăn nóng sốt, đủ dinh dưỡng cho học sinh, năm nay, nhà trường liên kết với đối tác xây dựng bếp nấu ngay tại trường, với giá trị là 38.000 đồng/suất.
“Vào cuối tuần, đối tác sẽ chuyển cho lãnh đạo phụ trách công tác bán trú của trường thực đơn của nguyên một tuần sau. Từ đó, trường sẽ chuyển thực đơn này đến toàn bộ các nhóm zalo bán trú mà các học sinh đều có tham gia”.
Hệ thống bếp của Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa đảm bảo một chiều sạch sẽ (ảnh: V.D)
Song song với việc đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm cho các suất ăn bán trú, trường cũng duy trì việc phụ huynh được phép tham gia giám sát bữa ăn của học sinh.
“Phụ huynh chỉ cần đến trường, điện thoại thông báo cho lãnh đạo trường là được tạo điều kiện hết sức tối đa tham gia giám sát chất lượng suất ăn bán trú của học sinh” – thầy Nguyễn Duy Bình khẳng định.
Hàng ngày, cứ vào khoảng 11h20 trưa, sau khi học sinh kết thúc tiết học cuối buổi sáng, các em học sinh có ăn bán trú tại trường sẽ được phát phiếu ăn, xuống đổi lấy các suất ăn và nộp lại phiếu cho các thầy cô phụ trách.
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên – một phụ huynh có con hiện đang học tại Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân nói rằng, nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho từng suất ăn bán trú của học sinh, vai trò giám sát của phụ huynh luôn hết sức quan trọng.
Các suất ăn đang được máy ủ nóng trước khi giao về cho học sinh ăn (ảnh: V.D)
“Hiện nhà trường đã làm rất tốt công tác này. Phụ huynh của trường luôn nắm được hôm nay con ở trường ăn gì vào buổi trưa. Nguồn gốc, xuất xứ của nguyên vật liệu luôn được nhà trường đảm bảo tốt, nên phụ huynh cũng yên tâm” – chị Thủy Tiên bày tỏ.
Còn tại Trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), cô Lê Thị Thanh Giang – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hàng ngày, trường phải đảm bảo nấu cho gần 2.000 suất ăn bán trú trưa của học sinh.
“Nhà trường luôn công khai thực đơn để cho học sinh, phụ huynh nắm từ trước qua bảng thông tin tại trường, website trường.” – cô Lê Thị Thanh Giang thông tin.
Học sinh Trường Trần Văn Ơn trong giờ ăn trưa (Ảnh: V.D)
Theo cô Lê Thị Thanh Giang, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tối đa để phụ huynh có thông tin, giám sát về các suất ăn bán trú của học sinh, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của nguyên vật liệu.
Cũng theo cô Lê Thị Thanh Giang, phụ huynh cần có liên hệ và báo với ban giám hiệu nhà trường, có giấy tờ tùy thân và đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm thì sẽ được tham gia vào quá trình kiểm tra các suất ăn bán trú trưa.
Các nhân viên đang chế biến suất ăn trưa cho học sinh Trường Trần Văn Ơn (ảnh: V.D)
Cũng bắt đầu từ năm học này, các trường mầm non trên địa bàn Quận 1 sẽ công khai định lượng các loại thực phẩm, được trường sử dụng để chế biến bữa ăn hàng ngày cho trẻ.
Ngoài ra, ở khu vực hành lang hay sảnh chờ, trường học sẽ bố trí tủ trưng bày suất ăn bán trú thực tế của học sinh, để phụ huynh biết được khẩu phần ăn hàng ngày của con. Vào trước mỗi bữa ăn bán trú, cấp dưỡng sẽ đưa một phần tương đương khẩu phần ăn của một học sinh vào tủ để trưng bày. Việc công khai này nhằm phục vụ cho việc yêu cầu lưu mẫu thức ăn đến từ phía cơ quan quản lý.
Còn tại Quận 3, một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn quận ngoài việc công khai thực đơn nguyên tuần cho phụ huynh nắm, hàng ngày, nhà trường còn thực hiện việc công khai ảnh chụp bữa ăn thực tế của học sinh để gửi cho từng phụ huynh.
Trường tiểu học Trưng Trắc (Quận 11) thì thực hiện việc truyền thông cho phụ huynh về tháp nhu cầu dinh dưỡng các độ tuổi của học sinh, nhằm tăng cường sự phối hợp, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nhóm thực phẩm vào bữa ăn của học sinh.
Giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành khẩu phần ăn học sinh
Về công tác bữa ăn học đường, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh của các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bữa ăn học đường. Cụ thể là giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như là giá thành từng bữa ăn của học sinh hàng ngày, thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với bếp ăn, căng tin trong trường học.
Định kỳ hàng năm thì vào đầu năm học, cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ thì Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có kiểm tra định kỳ công tác quản lý bữa ăn học đường. Đơn vị nào được kiểm tra sẽ có thông báo trước 7 ngày.
Việc kiểm tra đột xuất cũng sẽ được tiến hành, tùy vào tình hình dư luận và tình hình thực tiễn.
Cũng theo ông Dương Trí Dũng, ngoài việc vận dụng hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng, trường học cũng cần tổ chức thực đơn riêng cho học sinh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì tại đơn vị, đồng thời kết hợp các hoạt động tăng cường thể lực cho học sinh.
Việt Dũng